Khi mang thai, do những thay đổi về hormone và huyết động nên gần như tất cả các mô trên cơ thể cũng có những biến đổi không ít thì nhiều. Tại mắt có những thay đổi mang tính sinh lý, thoáng qua, sẽ biến mất khi quá trình thai nghén kết thúc. Nhưng cũng có những bệnh lý thực sự như bệnh võng mạc thai nghén chẳng hạn. Cũng đừng quên rằng thai nghén có thể làm tăng nặng cũng như giảm nhẹ một số bệnh lý mắt vốn có.
Thay đổi mắt không mang tính bệnh lý
Các hormone sinh dục làm tăng giữ nước tại các tổ chức nhiều sợi collagen, tổ chức cơ. Biến đổi mô học này hoàn toàn không gây ra bệnh lý cho mắt. Giác mạc có rất nhiều sợi collagen nên khi mang thai, độ cong của nó có thể thay đổi, gây ra cận hoặc loạn thị từ tuần thứ 30 của thai kỳ trở đi. Trên thực tế, có nhiều sản phụ đến khám mắt vì những bệnh cần đeo kính mà trước đó họ chưa hề bị. Cảm giác của lòng đen (giác mạc) cũng giảm nhẹ. Người ta khuyên các sản phụ nên tháo kính tiếp xúc khi mang thai bởi sẽ rất khó chịu nếu đeo: do giác mạc phù, độ cong giác mạc thay đổi, thiếu nước mắt… Rối loạn điều tiết, thiểu năng qui tụ sẽ gây những khó chịu nhất định cho sản phụ, một số trường hợp phải điều trị bằng tập mắt. Nhãn áp tưởng sẽ cao khi thai nghén, may thay trên thực tế thì nhãn áp có xu hướng hạ trong suốt quá trình mang thai. Phù mi, sụp mi do phù gian bào gặp khoảng 12% trong số các sản phụ. Một số ca nặng phải phẫu thuật nếu sau sinh sụp mi vẫn tồn tại dai dẳng.
Một số bệnh lý hay gặp trong quá trình mang thai
Xuất huyết võng mạc có thể gặp nếu sản phụ gắng sức, cúi đầu thái quá, ho mạnh, táo bón. Xuất huyết vùng võng mạc trung tâm có thể gây giảm thị lực nhiều. Đa phần các dạng xuất huyết sẽ tự tiêu và không để lại di chứng gì.
Khi chuyển dạ, do gắng sức thái quá có thể xảy ra một vài tai biến về đáy mắt: xuất huyết vùng hoàng điểm, xuất huyết dưới – trong – trước võng mạc gây giảm thị lực mạnh, đa phần sẽ hồi phục sau vài tuần.
Một biến cố nữa về võng mạc là bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch. Hình ảnh lâm sàng là bong thanh dịch đơn thuần, có thể kèm theo xuất tiết trắng. Chúng ta hạn chế dùng thuốc trên sản phụ, kể cả thuốc nhỏ mắt. May thay bệnh này thường tự khỏi sau vài tuần. Nếu sản phụ có u cục trên cơ thể, trên mắt cũng vậy thì khi mang thai u thường có xu hướng phát triển nhanh. Vì vậy, chị em nên khám cả chuyên khoa sản và chuyên khoa ung bướu.
Tăng áp lực nội sọ lành tính là một khái niệm mới, có thể gặp trên phụ nữ có thai. Nó liên quan chặt chẽ với một số bệnh lý thần kinh: viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu, hội chứng giao thoa thị giác, liệt vận nhãn.
Chú ý đến những biến chứng tại mắt
Tăng huyết áp gây lo ngại không chỉ cho bác sĩ tim mạch mà cả bác sĩ mắt. Trong quá trình mang thai, huyết áp rất khó kiểm soát dẫn đến nhiều biến chứng cho mắt. Bệnh mắt do nhiễm độc thai nghén, do tăng huyết áp ác tính là điều nguy hiểm nhất. Các biểu hiện trên đáy mắt rất rầm rộ: xuất huyết võng mạc, xuất tiết dạng lipid, bong võng mạc thanh dịch. Mắt giảm thị lực mạnh hoặc mù vỏ não tương ứng với dấu hiệu toàn thân nặng: phù, cao huyết áp, tiền sản giật hoặc sản giật. Đa phần mắt sẽ phục hồi hoàn toàn nếu điều trị nội khoa đáp ứng, đôi khi phải bằng đình chỉ thai nghén. Một tỷ lệ giảm thị lực bất khả hồi nếu có tắc mạch trung tâm võng mạc, thiếu máu thị thần kinh, nhồi máu não.
Một số bệnh vốn có sẽ thay đổi khi mang thai
Bệnh mắt do Basedow có xu hướng tăng nặng khi mang thai. Bệnh võng mạc đái tháo đường cũng vậy. Viêm hắc võng mạc do toxoplasma đang ở đạng bất hoạt có thể chuyển thành thể hoạt tính khi mang thai. Nếu bạn có những bệnh trên đừng quên khám mắt định kỳ khi mang thai. Cũng có may mắn ngoại lệ: nếu bạn mang thai khi đang mắc glô-côm, viêm màng bồ đào thì các bệnh trên có xu hướng nhẹ đi trong thai kỳ.
Xem ra có quá nhiều lo lắng đi kèm “tin mừng”. Tuy nhiên những biến cố trên rất ít xảy ra. Lời khuyên quan trọng nhất của chúng tôi là nếu bạn có cao huyết áp, nếu bạn bị đái tháo đường thì ngoài việc khám thai sản, bạn nên đi khám mắt định kỳ theo hẹn.