Để quạt thẳng vào người, để điều hòa quá lạnh, nằm sấp hoặc ăn nhẹ trước khi đi ngủ…, những thói quen tưởng chừng vô hại này lại làm bạn khó ngủ sâu vào ban đêm.
Một số thói quen dưới đây có thể dễ dàng khắc phục, nhưng cũng có những thói quen cần đến sự trợ giúp hoặc chữa trị của các chuyên gia.
Ăn trước khi đi ngủ
Các nhà khoa học đã xác định những người có thói quen ăn nhẹ trước khi ngủ sẽ làm tăng axit trong thực quản, gây nên chứng ợ nóng trong khi ngủ. Hiện tượng này cũng có thể khiến một số người đột ngột thức giấc giữa đêm vì những cơn ho. Sự hồi lưu thức ăn từ dạ dày lên vào ban đêm sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Ngậm kẹo bạc hà trước khi ngủ cũng có thể dẫn đến việc cơ thể mất nước gây nên chứng khô và rát họng như trên.
Dùng đồ uống có hàm lượng cồn hay cafêin cao trước khi ngủ
Đối với một số người, việc uống cafe trở thành thói quen hằng ngày, đến nỗi họ không cảm nhận thấy chúng có tác động đến giấc ngủ. Thực ra từ lâu khoa học đã xác định các loại đồ uống này khiến cơ thể có cảm giác mơ màng, trằn trọc và hay trở mình. Trong trường hợp buộc phải uống thì nên uống thêm một cốc nước lọc sau mỗi cốc rượu, bia hoặc café. Chúng có thể làm cho giấc ngủ của bạn đúng nghĩa hơn.
Thở bằng miệng khi ngủ
Bạn nên nhờ người thân xác định xem mình có thói quen này hay không. Nếu có kèm theo tật ngáy sẽ làm tăng tình trạng mất nước, khiến bạn thường bị khô, rát miệng và họng vào sáng hôm sau. Có rất nhiều nguyên nhân tạo nên thói quen này như: uống quá nhiều rượu vào buổi tối, do quá nhiều axít trong dạ dày hoặc bạn mắc rối loạn dạ dày hay bệnh trào ngược axít, do tác dụng phụ của thuốc chữa suy nhược, chữa mất ngủ; Hay thậm chí do bạn bị stress hoặc vách ngăn mũi bị lệch. Bạn hãy dùng thử 1 cốc nước trước khi ngủ (nếu bạn bị tiểu đêm thì có thể uống nhiều nước vào ban ngày), nếu vẫn còn thói quen này thì cần liên hệ các chuyên gia y tế để xác định chính xác nguyên nhân.
Để quạt thẳng vào người khi ngủ
Thói quen này rất có hại, nhất là vào mùa hè. Quạt mạnh và trực tiếp vào cơ thể làm gia tăng tình trạng mất cân bằng nước, dễ gây khô miệng, đau rát họng, thậm chí gây viêm họng.
Tư thế ngủ không đúng
Một số người có thói quen ngủ úp mặt hoặc gập cong người. Các tư thế này dễ gây ra hiện tượng tức thở khi ngủ. Việc úp mặt thường tạo nên những giấc ngủ không liên tục bởi vì nó làm ảnh hưởng đến nhịp thở và không tốt cho tim. Gập cong người trong suốt cả một đêm sẽ gây nên bệnh đau lưng. Những tư thế ngủ không thoải mái này thường gây ra những dấu hiệu không tốt ở lưng, nhất là đối với phụ nữ. Theo một số chuyên gia về phẫu thuật chỉnh hình, chúng ta nên tập cho cơ thể quen ngủ với tư thế nằm ngữa, duỗi thẳng lưng, có kê một chiếc gối ở dưới đầu gối. Tư thế ngủ này giúp toàn bộ cơ thể thả lỏng triệt để khi ngủ.
Môi trường ngủ quá lạnh
Nguyên nhân này do dùng máy lạnh hoặc bạn mở cửa sổ phòng ngủ vào đêm. Khi đó cơ thể của bạn sẽ có phản ứng gập cong lại để tránh lạnh. Phòng ngủ quá lạnh nhưng bạn lại không có thói quen dùng chăn đắp (nhất là vùng bụng và ngực) khiến cơ thể thường xuyên xuất hiện các phản xạ có ý thức chống lạnh, làm bạn thường xuyên trở mình, ảnh hưởng giấc ngủ, đồng thời dễ tạo nên các tư thế ngủ có hại cho cột sống,.
Mở rộng cửa sổ khi ngủ
Có thể vì lý do mát và thông thoáng, bạn thường mở rộng cửa sổ. Tuy nhiên thói quen này có thể làm gia tăng tình trạng ô nhiễm, nhất là trong các đô thị. Theo đó, những chất gây dị ứng bên ngoài sẽ có điều kiện vào phòng và xâm hại cơ thể, gây ảnh hưởng tới mắt, da và hơi thở – làm gián đoạn giấc ngủ say.
Trang điểm và dùng mùi thơm khi ngủ
Việc lạm dụng mỹ phẩm đôi khi không thích hợp khi bạn muốn ngủ say, thậm chí có hại, nhất là các chất dùng cho vùng mắt, hóa chất chuốt mi làm sưng bọng mắt hoặc gây viêm da. Sử dụng nhiều nước hoa cũng sẽ làm tăng khả năng bị viêm mũi và hen suyễn. Tương tự như vậy, một số sản phẩm tẩy uế hoặc làm thơm mát không khí có rất nhiều hóa chất. Chúng là nguyên nhân gây kích ứng da, mũi, cổ họng và phổi trong khi ngủ, ảnh hưởng xấu trực tiếp đến giấc ngủ.
Để hoa hoặc cây xanh trong phòng ngủ
Những cây (hoặc đóa) hoa thơm ngát là nguyên nhân gây dị ứng. Có một số loài hoa thường thụ phấn nhờ gió nên phấn hoa trong không khí dễ làm bạn bị chảy nước mắt và nước mũi. Nếu bạn vẫn muốn giữ thói quen này thì nên chọn những loại có mùi thơm nhẹ, không có nhiều phấn hoa (như hoa tulip, hoa hồng). Mặt khác, cây xanh sẽ làm phòng ngủ thiếu oxy, gây hại cho não và giấc ngủ sâu.
Để vật cưng hoặc đồ chơi trong phòng ngủ
Thậm chí có bạn còn để chúng ngủ chung giường với mình! Thói quen này rất tai hại. Bên cạnh việc chúng có thể có chấy, rận; nước bọt và lông của chúng có thể gây ra bệnh dị ứng và hen suyễn. Những con thú nhồi bông hoặc một số đồ chơi (làm bằng vải, len, nhung…) cũng có không ít bụi. Ngoại trừ chăn và gối, bạn không nên để bất kỳ vật dụng, đồ chơi hoặc thú nuôi lên giường ngủ của mình.
Ngủ trưa quá nhiều
Một số người không có thói quen ngủ trưa, nhưng cũng không ít bạn ngủ trưa (hoặc ngủ ban ngày) quá nhiều. Điều này dễ làm triệt tiêu nhu cầu ngủ và nghỉ ngơi vào ban đêm. Theo các chuyên gia, ngủ trưa tốt nhất là không quá 60 phút.
Thói quen ít vận động thân thể
Giấc ngủ say còn xuất phát từ nhu cầu nghỉ ngơi sau vận động cơ bắp mệt mỏi. Những nghề lao động trí óc, làm việc trong phòng lạnh hoặc ngồi yên một chỗ dễ triệt tiêu nhu cầu này. Các chuyên gia đã khuyến cáo, con người cần vận động để cơ thể tiết mồ hôi ít nhất 1 lần trong ngày. Bên cạnh yêu cầu bài tiết chất độc trong mồ hôi và làm đẹp cơ thể, tập thể dục phù hợp còn làm xuất hiện nhu cầu nghỉ ngơi (ngủ say) vào ban đêm.
Ngoài ra, một số thói quen khác cũng có thể gây hại cho giấc ngủ say như: mở nhạc lớn hoặc để đèn sáng khi ngủ, xem phim bạo lực hoặc kinh dị, căng thẳng tâm lý quá mức, không tắm sạch…
(Theo Vnexpress)