Những thuốc làm tan sỏi

Những thuốc làm tan sỏi

Mặc dù đã có nhiều phương pháp điều trị sỏi bằng phẫu thuật nội soi, tán sỏi, nhưng có một số thuốc tỏ ra rất hiệu nghiệm để tiếp tục làm tan một số loại sỏi để hỗ trợ cho các biện pháp trên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin nhấn mạnh rằng không có một công thức nào để trị chung cho tất cả các loại sỏi vì ai cũng biết là mỗi loại sỏi đều có hoàn cảnh và điều kiện thành lập riêng. Nếu có một loại thuốc được tuyên truyền là điều trị các loại sỏi thận thì độc giả cũng nên đặt nghi vấn về tính xác thực của.

>> Điều trị sỏi thận như thế nào?

>> Trị sỏi tiết niệu bằng đông y

Với sỏi Magesium Ammonium Phosphate

Dung dịch Hemiacidrine (RENACIDINE) là một hỗn hợp của acide citric, acide gluconic, Hydroxy-carbonic magnesium, citrate magnesium và Carbonate Calcium. Ngoài tính acide của dung dịch làm mất môi trường cho loại sỏi này kết tủa, sự hiện diện của ion magnesium làm cho các thành phần của sỏi dễ tan hơn. Người ta có thể dùng dung dịch này bằng hai cách.
Hoặc là phối hợp với tán sỏi ngoài cơ thể vì loại này khá dễ vỡ. Lúc tán sỏi, một lượng sỏi vụn khá lớn rơi ào xuống niệu quản sẽ gây bế tắc, kèm theo đó là lượng vi trùng khá nhiều trong sỏi sẽ ào theo gây nhiễm trùng niệu rất nhuy hiểm cho bệnh nhân. Người ta chỉ tán sỏi sơ sơ cho sỏi vỡ ra làm một số mảnh lớn. Kèm theo là đặt một ống thông niệu quản lên thận qua ngã nội soi rồi tưới dung dịch này vào.

Cách thứ hai là xuyên qua một ống mở thận ra da, dung dịch sẽ được tưới vào sỏi với vận tốc từ 50 đến 120 ml một giờ (khoảng 17 đến 40 giọt một phút) và giữ cho áp lực trong thận không vượt quá 30 cm nước. Phương pháp này rất hữu dụng cho những bệnh nhân quá yếu không thể gây mê để mổ được. Tưới dịch như vậy còn giúp làm giảm lượng vi trùng trong thận vốn là nguyên nhân chủ yếu gây nên loại sỏi này.

Có thể làm liên tục một tháng, cứ ba ngày thì chụp phim một lần để theo dõi kích thước của sỏi. Một điều đáng ngạc nhiên là dù cho cơ quan F.D.A. của Mỹ chưa đảm bảo cho việc sử dụng Renacidine vào bộ phận nào ngoài bọng đái, các bác sĩ niệu khoa Mỹ vẫn thường áp dụng phương pháp này cho bệnh nhân bị sỏi thận cuả họ. Tỷ lệ tái phát của loại sỏi này sau khi mổ vào khoảng 30 %, nhưng nếu dùng phối hợp với Renacidine, tỷ lệ này chỉ còn có 5%. Đây là một con số rất đáng khích lệ.

Với sỏi Acide Urique

Vì người ta không thể bào chế một Enzyme làm phân giải acide Uric nên chỉ có cách làm tan sỏi này bằng cách điều chỉnh pH. Ở độ pH 5, 75 Acide Uric tan một nửa và kết tụ một nửa (gọi 5,75 là pKa cuả acide urique). Thấp hơn 5,75, sỏi sẽ kết tủa và cao hơn 5,75 thì sỏi tan. Một số loại thuốc uống có thể làm nước tiểu kiềm hoá gồm:

– Bicarbonate Sodium: phải dùng lượng lớn từ 8 đến 12 g một ngày mới giữ pH ở mức 6,5 được. Điều này đặc biệt khó khi bệnh nhân cần ngủ nhiều vì phải uống thuốc suốt ngày mới đủ sức.
– Có thể cho bệnh nhân uống lợi tiểu loại Diamox để làm kiềm hoá nước tiểu khi ngủ nhưng phải nhớ bù lượng Potassium bị mất
– Bệnh nhân cao huyết áp không thể dùng Bicarbonate Sdium được thì có thể thay thế bằng Citrate Potassium

Người ta cũng có thể tưới rửa sỏi thận bằng các dung dịch kiềm sau đây:

– Dung dịch 0,1 mol Bicarbonate sodium có thể đem pH lên 7,8
– Dung dịch tromethamine (THAM) có pH đến 10,6 làm tan sỏi nhanh hơn, nhưng khá đắt tiền.
Một số nơi lại thích làm kiềm hoá nước tiểu bằng cách truyền dung dịch Bicarbonate vào tĩnh mạch

Với sỏi Cystein

Bệnh nhân bị sỏi Cystein đào thải khoảng 350 đến 400mg cystein mỗi ngày.Trong dung dịch có pH bằng 8, mỗi lít có thể hoà tan được đến 1000mg. Do đó, mấu chốt của phương pháp là làm kiềm hoá nước tiểu bằng cách tưới rửa bằng dung dịch THAM như loại sỏi trên, hoặc tưới rửa với dung dịch đặc trị cho loại sỏi này là N-acetylcystein vì nó sẽ kết hợp với cystein thành một chất hoà tan.

Nhẹ nhàng hơn, bệnh nhân có thể dùng penicillamine, nhưng thời gian dùng thuốc phải kéo dài từ 6 tháng đến một năm mới có tác dụng tan sỏi. Vì thế mà thuốc này thường chỉ được dùng với tác dụng phòng ngừa tái phát sau khi mổ.

Với sỏi Oxalate

Có lẽ đây là điều đáng quan tâm nhất vì loại này chiếm đến 64 % số lượng sỏi tại Việt Nam. Nhưng câu trả lời lại hết sức đáng buồn:” Hiện nay không có loại thuốc nào có thể là tan sỏi Oxalate được “. Chúng ta chỉ có thể điều trị bằng các phương tiện khác mà thôi.

Nói chung, thuốc làm tan sỏi thực sự thì ít, kém hiệu quả, và cũng chỉ sử dụng trong những trường hợp rất hạn hữu. Hoặc là do bệnh nhân có thể trạng chung quá yếu, không thể mổ lấy sỏi; hoặc là sỏi tái phát quá nhiều lần. Những thuốc này được dùng nhiều trước khi máy tán sỏi ngoài cơ thể và trong cơ thể ra đời. Hiện nay, với những biện pháp ít xâm lấn sẵn có thì chúng ta cần lấy hòn sỏi ra càng sớm càng tốt trước khi chúng có thể gây hậu quả biến chứng lên thận và toàn thân. Các thuốc thường chỉ được sử dụng trong việc hỗ trợ cho phẫu thuật, thủ thuật sau khi điều trị, hay là để tránh tái phát.

Theo BSGĐ