Những ngày này, Khoa Thận – Tiết niệu Bệnh viện Nhi Trung ương luôn quá tải, 30-40 trẻ/25 giường. Tại Khoa nhi các bệnh viện tỉnh thành phía Bắc, trẻ nhập viện vì viêm cầu thận tăng đột biến. Hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng toàn thân phù căng, huyết áp cao, tiểu ít, nước tiểu màu đỏ sậm…
Viêm cầu thận “cấp thường liên quan đến cơ chế miễn dịch, xảy ra sau một đợt viêm họng, viêm amidan, viêm phổi cấp, bạch hầu, thương hàn, sốt rét, thậm chí sau tiêm vắc xin và huyết thanh… Bệnh hay gặp ở trẻ 3-10 tuổi và có thể gặp ở người trên 50 tuổi (khoảng 5%). Bệnh thường khởi phát đột ngột với ba triệu chứng chính là phù, tăng huyết áp và hội chứng nước tiểu. Các triệu chứng đầu tiên xuất hiện 1-3 tuần sau khi viêm họng, viêm amidan với các biểu hiện: mệt mỏi, chán ăn, nhưng tăng cân nhanh, nặng ở hai mi mắt, sau đó lan ra toàn thân. Bệnh nhân (BN) tiểu ít, nước tiểu màu hồng hoặc đỏ như máu. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, người bệnh sẽ bị những biến chứng nguy hiểm như cao huyết áp, suy tim, phù phổi cấp, nhức đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, co giật kiểu động kinh rồi hôn mê… dẫn đến viêm cầu thận cấp. Nếu không được khống chế, chăm sóc, điều trị tốt và kịp thời thì viêm cầu thận cấp sẽ tái lại nhiều lần rồi chuyển sang viêm cầu thận mãn.
Suy thận thường xảy ra khi trẻ 5 tuổi với những triệu chứng đầu tiên là rối loạn về tích tụ nước tiểu. Trẻ thường có nhu cầu đi tiểu và uống nhiều nước. Hậu quả là trẻ bị thiếu máu và chậm lớn. Những biểu hiện này thường bị bỏ qua nên khi đến viện, bệnh của trẻ đã ở giai đoạn quá muộn. Trẻ bị suy thận giai đoạn cuối, buộc phải chạy thận liên tục hoặc ghép thận mới có thể sống được.
Hiện nay còn phổ biến tình trạng nhiều bà mẹ cho rằng, ăn uống có vai trò quan trọng trong việc điều trị và phòng bệnh thận ở trẻ. Rằng trẻ ăn nhạt sẽ tránh được nguy cơ mắc bệnh thận. Điều này hoàn toàn sai và nguy hiểm bởi mỗi bệnh thận tiết niệu, đều có chế độ dinh dưỡng khác nhau, y học gọi là dinh dưỡng điều trị, giúp cho thời gian điều trị ngắn lại, hạn chế những tiến triển và biến chứng. Có những trẻ bị bệnh thận tiết niệu, bố mẹ cố tình không làm đúng lời dặn của bác sĩ. Họ quan niệm, cứ mắc bệnh thận là phải ăn kiêng, ăn nhạt tuyệt đối, thậm chí cấm trẻ ăn hoa quả… Do chế độ ăn uống kiêng vô lối đó đã làm cho trẻ bị suy kiệt, mất nước nặng dẫn đến rối loạn nước điện giải nghiêm trọng. Vì vậy, khi có hiện tượng, trẻ cần được đưa đi khám và điều trị ngay theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh cho các cháu bị suy nhược. Với những trẻ bị suy thận cấp hoặc mãn nhanh chóng thoát cơn nguy hiểm, buộc phải chạy thận nhân tạo.
Viêm cầu thận cấp là bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể sạch, giữ ấm vào những lúc chuyển mùa, đặc biệt là mùa lạnh và chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Đối với trẻ lớn, ngoài bữa ăn thông thường có thể bổ sung thêm các loại nước hoa quả. Điều này rất có lợi cho tiêu hóa của trẻ, đồng thời giúp trẻ không mắc các bệnh về tiết niệu. Với trẻ nhỏ, việc bú mẹ ngay sau khi sinh là rất quan trọng, bởi sữa mẹ có nhiều kháng thể, giúp trẻ tránh được bệnh tật. Những cháu không được bú mẹ do nhiều lý do như mẹ bị bệnh, mất sữa thì trong chế độ dinh dưỡng của trẻ nên bổ sung các thành phần giống sữa mẹ. Hiện trên thị trường xuất hiện một số loại sữa có thành phần giống sữa mẹ có thể giúp trẻ phát triển toàn diện. Đặc biệt, những trẻ bị bệnh thận có thể bổ sung sữa có hàm lượng chứa đường và rong tảo biển tự nhiên cao để giúp trẻ phát triển tốt cơ quan tiêu hóa, tránh được nguy cơ của bệnh thận; bổ sung các chất làm mát đường tiêu hóa, giúp các cơ quan này phát triển hoàn thiện hơn. Với những cháu hay bị viêm họng, cần tiêm phòng bằng kháng sinh để phòng bệnh viêm cầu thận. Ngoài ra phải điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mãn tính (ở răng, miệng, mũi, họng, xoang) cho trẻ.
BS Thùy Dương