Các nhà khoa học Australia cho biết, kết quả nghiên cứu sơ bộ từ việc kiểm tra mắt đơn giản có thể mở ra hy vọng phát hiện dấu hiệu của bệnh mất trí nhớ (Alzheimer).
Mặc dù việc thử nghiệm chỉ mới được tiến hành trên một số lượng nhỏ bệnh nhân và cần phải có những nghiên cứu sâu hơn, nhưng việc kiểm tra thực nghiệm có cơ sở vững chắc: bệnh Alzheimer còn gây ra những thay đổi ở mắt, chứ không chỉ ở não bộ.
Một số nhà khoa học ở Hoa Kỳ cũng đang nghiên cứu phương pháp kiểm tra mắt để chẩn đoán sớm căn bệnh này.
Một nghiên cứu riêng rẽ khác phát hiện ra rằng hiện tượng bị ngã có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm của căn bệnh Alzheimer. Ở những người có tư duy bình thường, nhưng được phát hiện có những mảng bám lẩn khuất ở não sẽ có nguy cơ bị ngã cao gấp 5 lần so với những người không có những mảng bám này và đây cũng là một dấu hiệu của bệnh Alzheimer.
Hiện trên thế giới có hơn 35 triệu người bị bệnh Alzheimer mà dạng phổ biến nhất là mất trí nhớ. Bệnh này không có cách chữa trị dứt điểm và các loại thuốc hiện nay chỉ tạm thời làm giảm các triệu chứng. Do vậy, việc phát hiện sớm căn bệnh này sẽ giúp các bệnh nhân và gia đình họ có thời gian chuẩn bị và chủ động thu xếp điều trị tốt hơn.
Nguồn tin: Chinhphu.vn