Phòng chống mắc giun xoắn từ lợn lây sang người

Phòng chống mắc giun xoắn từ lợn lây sang người

Bệnh giun xoắn là bệnh truyền nhiễm cấp hoặc bán cấp tính do ấu trùng giun xoắn gây ra, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

 

Nguồn bệnh chủ yếu là lợn, Bệnh lây từ súc vật sang người khi người ăn phải thịt lợn có ấu trùng chưa được nấu chín do ăn các món như nem sống làm từ thịt lợn, ăn thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, ăn tiết canh lợn.

Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, mức độ bệnh phụ thuộc mức độ nhiễm ấu trùng, độ toan dịch vị và tình trạng rối loạn tiêu hóa. Nếu bệnh nhân có đi lỏng nhiều thì tình trạng bệnh sẽ đỡ hơn nhiều. Sau khoảng 15 ngày kể từ khi ấu trùng từ máu vào cơ vân và tạo thành kén, có các biểu hiện chủ yếu sau:

Sốt: sốt cao đột ngột, 39 – 40 độ C, có gai rét đôi khi có rét run, có trường hợp sốt dao động kéo dài hàng tháng.

Đau cơ: điển hình nhất là đau cơ tứ chi nên bệnh nhân đi lại khó khăn, khó vận động thay đổi tư thế. Ngoài ra còn đau các cơ khác như cơ vận nhãn làm bệnh nhân khó liếc mắt, cơ mi mắt làm bệnh nhân khó nhắm mắt…

Phù nề: thường ở mặt và mi mắt, một số trường hợp ở cả mu bàn chân, bàn tay.

Một số biểu hiện khác: ban dị ứng, da xung huyết dãn mạch, có thể có đốm xuất huyết, trường hợp nặng có thể có biểu hiện rối loạn thần kinh như ngủ gà, cuồng sảng, mạch nhanh, huyết áp hạ…

Nếu không điều trị kịp thời có thể có nhiều biến chứng xảy ra như suy hô hấp, suy gan, suy tim, suy kiệt, bội nhiễm, đau đầu, mê sảng…

Khi được chẩn đoán xác định, bạn sẽ được bác sỹ cho sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu là Thiabendazole, cùng các thuốc điều trị triệu chứng như thuốc chống dị ứng, corticoid, giảm đau an thần, phòng chống suy hô hấp, phòng chống bội nhiễm, tăng cường nuôi dưỡng.

Tại những nơi có ổ bệnh thiên nhiên phải kiểm tra lợn trước khi mổ theo đúng chế độ kiểm định động vật. Dọn sạch sẽ trong và ngoài khu làm thịt lợn, không thả lợn rông, không vận chuyển lợn đi nơi khác khi chưa được kiểm tra, không ăn thịt lợn tái, nếu có điều kiện thì thức ăn cho lợn có thể pha thiabendazole 0,1% để làm cho lợn không mắc bệnh hoặc mắc bệnh nhẹ.

 

 

(Theo BS An Nguyễn // Tienphong Online)