Phương pháp mới điều trị bệnh bạch cầu cấp tính
Theo các nhà nghiên cứu, một hướng mới trong điều trị ung thư là thay đổi di truyền các tế bào miễn dịch ở bệnh nhân nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư, đã có kết quả ở những người trưởng thành bị mắc căn bệnh bạch cầu cấp tính. Ở một bệnh nhân đang bị bệnh nặng, tất cả các dấu vết của bệnh bạch cầu sẽ biến mất trong vòng 8 ngày.
Thực nghiệm liệu pháp tế bào T
Nghiên cứu mới được tiến hành thành công trên 5 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp tính, đã được công bố vào ngày 10/4/2013 trên tờ Khoa học tịnh tiến y học.
Ca điều trị đầu tiên được áp dụng cho một bé gái 7 tuổi tên là Emma Whitehead, cách đây gần đúng một năm và cho đến nay đã có những thành công đáng kinh ngạc ở những người trưởng thành mắc bệnh bạch cầu mạn tính khi dùng hóa trị liệu đã gặp thất bại. Emma Whitehead và những bệnh nhân trưởng thành đã được điều trị tại Đại học Pennsylvania (Mỹ). Loại ung thư máu này tỷ lệ chữa lành ở người trưởng thành chỉ khoảng 40% so với từ 80 – 90% ở trẻ em. Mỗi năm ở Mỹ, căn bệnh này đã ảnh hưởng đến 2.400 bệnh nhân trên 20 tuổi và 3.600 người ở độ tuổi trẻ hơn. Mặc dù không nhiều trường hợp người trưởng thành mắc bệnh nhưng tỷ lệ tử vong lại khá cao: khoảng 1.170 người trưởng thành đã qua đời mỗi năm so với 270 cái chết ở người dưới 20 tuổi.
Bệnh nhân David Aponte, người vừa trải qua đợt cấy ghép vào tháng 12/2012.
TS. Carl June, người đứng đầu nhóm bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân Emma Whitehead và các bệnh nhân khác tại Đại học Pennsylvania phát biểu: “Đây là báo cáo đầu tiên cho thấy một số hoạt động thực tế mang lại lợi ích lâm sàng ở người trưởng thành mắc bệnh bạch cầu Lymphoblastic cấp tính”.
Nhóm điều trị đã sử dụng các tế bào T của bệnh nhân, một loại tế bào bạch huyết bình thường chuyên đấu tranh với các virut và tế bào ung thư. Máu của bệnh nhân sẽ chạy xuyên qua một cỗ máy chuyên trích xuất các tế bào T và trả về phần còn lại của máu cho cơ thể. Kế đó, các nhà nghiên cứu sẽ làm một số các kỹ thuật di truyền: họ sử dụng một virut đã được khống chế như là một “vector” để mang vật liệu di truyền mới vào các tế bào T, chúng sẽ được lập trình để tự nhận ra chính chúng và tiêu diệt bất kỳ tế bào nào mang một protein (đạm) đặc biệt lên bề mặt của nó. Loại protein này được gọi là CD19, được tìm thấy trên các tế bào B, là một phần của hệ miễn dịch. Mục tiêu này đã được lựa chọn vì các bệnh nhân có một loại bạch cầu đã ảnh hưởng đến các tế bào B, vì thế mục tiêu là tạo ra các tế bào T của bệnh nhân tìm và diệt các tế bào B. Những tế bào B khỏe mạnh – thường tạo ra các kháng thể chống nhiễm khuẩn – sẽ bị tuyệt diệt cùng với người mang bệnh ung thư, nhưng tác dụng phụ là có thể điều trị được.
Kết quả khả quan
Một trong những bệnh nhân có diễn tiến bệnh nặng nhất trong nghiên cứu là ông David Aponte, 58 tuổi, đã từng làm việc cho hãng tin ABC News. Tháng 11/2011, ông Aponte choáng váng khi được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư máu. Ông đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với một chặng dài hóa trị liệu mệt mỏi. TS. Brentjens đề xuất rằng, trước khi tiến hành dùng các loại thuốc, bệnh nhân Aponte có thể tách và lưu trữ một số tế bào T của mình (hóa trị liệu có thể làm cạn kiệt tế bào T). Bằng cách đó, nếu bệnh ung thư của ông Aponte tái phát, ông có thể tham gia vào một nghiên cứu bằng cách sử dụng các tế bào T. Ông David Aponte chấp thuận. Lúc đầu, hóa trị liệu đã thành công nhưng đến mùa hè 2012, trong khi Aponte vẫn đang điều trị thì các xét nghiệm cho thấy bệnh ung thư đã trở lại.
Ông David Aponte đã tham gia cuộc nghiên cứu tế bào T. Trong vòng vài ngày không có gì xảy ra. Sau đó thân nhiệt của Aponte bắt đầu tăng lên và Aponte gồng mình đau đớn trong “cơn bão cytokine”. Nghĩa là các tế bào T hoạt động, tiêu diệt các tế bào ung thư, đã xuất ra một lượng lớn các hormon gọi là cytokine. Ngoài sốt cao, các hormon nội tiết đã làm giảm mạnh huyết áp của bệnh nhân, khiến cho nhịp tim bị tăng lên. Ông David Aponte được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt, được điều trị bằng steroid để dập tắt phản ứng. 8 ngày sau đó, bệnh bạch cầu biến mất. Thậm chí các bác sĩ cũng bị “sốc”, TS. Renier J. Brentjens cho biết. Họ đã lặp đi lặp lại các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để chắc chắn không mắc phải sai lầm.
Do Aponte phải trải qua cơn bão cytokine, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng bệnh nhân Aponte có thể tái phát bệnh ung thư bởi vì lượng steroid mà ông đã dùng để điều trị “bão cytokine” có thể xóa sổ các tế bào T trước khi chúng thực hiện bổn phận của mình. Vì vậy, khi bệnh đã thuyên giảm, ông David Aponte đã trải qua một thủ thuật cấy ghép tủy xương trong khi các bệnh nhân khác đã không phải trải qua thủ thuật này và hầu hết bệnh đều thuyên giảm.
NGUYỄN THANH HẢI
(Theo NBC, 13/4/2013)