Povidon iod dùng không đúng sẽ gây hại

Povidon iod dùng không đúng sẽ gây hại

Povidon iod là thuốc sát khuẩn có phổ kháng khuẩn rộng, khô nhanh, chủ yếu là dùng ngoài, được dùng để khử khuẩn và sát khuẩn các vết thương, sát khuẩn da, niêm mạc trước khi phẫu thuật và lau rửa  các dụng cụ y tế trước khi tiệt khuẩn… Trên thị trường, povidon iod có nhiều dạng thuốc và nồng độ khác nhau: cồn thuốc 10%, thuốc súc miệng 1%, dạng mỡ 10%; dung dịch dùng ngoài da 7,5%, gel bôi âm đạo 10%,  dung dịch rửa âm đạo 10%, bình khí dung chứa bột phun xịt 2,5%…

Do thuốc có nhiều dạng dùng với các nồng độ khác nhau nên khi dùng cần chú ý:

– Đối với dạng dung dịch povidon 10% được dùng để bôi lên da (sát khuẩn) hoặc bôi vào vùng tổn thương (để tránh nhiễm khuẩn). Khi bôi không cần pha loãng. Dung dịch povidon iod giải phóng iod dần dần, do đó kéo dài tác dụng sát khuẩn diệt khuẩn, nấm, virut, động vật đơn bào, kén và bào tử.

–  Đối với dung dịch 1% (dùng để súc miệng): Có thể dùng dung dịch không pha hoặc pha loãng một nửa với nước ấm. Mỗi lần súc khoảng 10ml trong 30 giây và không được nuốt. Mỗi đợt dùng có thể kéo dài tới 14 ngày. Chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.

– Đối với dạng bột khô để phun 2,5% trước khi dùng phải lắc kỹ lọ, phun thuốc vào vùng tổn thương từ khoảng cách 15 – 20cm tới khi bọt phủ kín vết thương, nếu cần phủ gạc lên vết thương. Không phun vào các khoang niêm mạc.

Tuy nhiên khi dùng thuốc có thể gây kích ứng tại chỗ, dị ứng như viêm da do iod, đốm xuất huyết (không dùng cho người có tiền sử quá mẫn với iod). Lượng iod quá thừa sẽ gây bướu giáp, nhược giáp hoặc cường giáp. Dùng chế phẩm nhiều lần trên vùng da tổn thương rộng hoặc bỏng nặng sẽ gây nhiều tác dụng không mong muốn (vị kim loại, tăng tiết nước bọt, đau rát họng và miệng, tiêu chảy…), có thể gây phản ứng toàn thân gây nhiễm acid chuyển hoá, tăng natri huyết và tổn thương chức năng thận. Không được dùng thuốc cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nhất là sơ sinh. Tránh dùng thường xuyên cho người mang thai và cho con bú, vì iod qua được hàng rào nhau – thai và bài tiết qua sữa. Mặc dù chưa có bằng chứng về sự nguy hại  nhưng đã thấy iod trong nước ối của người mẹ dùng povidon iod gây suy giáp và bướu giáp bẩm sinh do thuốc ở trẻ sơ sinh, mặc dù người mẹ dùng lượng thấp iod làm thuốc sát khuẩn. Vì vậy, nên thận trọng và cân nhắc giữa lợi ích điều trị  và tác dụng có thể gây ra do hấp thụ iod đối với sự phát triển và chức năng của tuyến giáp thai nhi.

Dược sĩ  Hoàng Thị Thuỷ