Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh

Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh

Câu hỏi:

Mẹ tôi năm nay 51 tuổi, kinh nguyệt vẫn có nhưng không đều, có khi một tháng, có khi hai tháng. Mỗi lần có 4-5 ngày, những ngày đầu ra rất nhiều, mẹ tôi thường phải dùng 2-3 miếng băng vệ sinh một lần nhưng vẫn dính ướt, kinh ra thường đỏ như máu tươi khiến bà rất mệt và thường chóng mặt nhức đầu.

Xin bác sĩ cho biết đây có phải là triệu chứng mãn kinh ở người già và có cách nào để hạn chế bớt máu kinh? Khi mãn kinh có cần uống bổ sung hoocmôn và mẹ tôi có thể uống loại gì, liều lượng bao nhiêu?

(Nguyễn Vũ Phương Lan)

>> Tâm sinh lý ở phụ nữ tiền mãn kinh!

>> Chu trình lão hóa da ở phụ nữ

Trả lời:

Mãn kinh là tình trạng hết kinh vĩnh viễn sau khi buồng trứng ngưng tiết estrogen. Mãn kinh được xác định chắc chắn khi hết kinh liên tục trong 12 tháng. Giai đoạn trước khi mãn kinh gọi là tình trạng tiền mãn kinh và sau mãn kinh gọi là hậu mãn kinh.

Giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài 2-5 năm với các rối loạn kinh nguyệt. Nguồn gốc của mọi thay đổi trong thời kỳ này là do giảm đáp ứng của buồng trứng với các nội tiết tố hướng sinh dục dẫn tới sự rối loạn trong trưởng thành của noãn bào. Điều này đưa đến những chu kỳ không rụng trứng hoặc rụng trứng khó khăn. Do đó, đầu tiên là lượng progesterone giảm rồi đến lượt estrogen giảm. Điều này dẫn tới một tình trạng cường estrogen tương đối với các biểu hiện lâm sàng:

 

– Tăng tính thấm thành mạch khiến người phụ nữ đau vú, dễ phù

– Chất nhờn cổ tử cung trong và lỏng suốt chu kỳ làm người phụ nữ thấy ra nhiều khí hư hơn.

– Tăng phân bào ở mô vú và nội mạc tử cung dẫn tới nguy cơ tăng sinh bất thường và ung thư.

– Rối loạn kinh nguyệt dưới dạng chu kỳ ngắn hoặc thưa (1-2 tháng) bị rong kinh, rong huyết hoặc cường kinh.

– Nặng thêm các khó chịu trước khi có kinh như chướng bụng, đau vú, rối loạn tâm tính…

Trong trường hợp của mẹ chị:

– Đang trong giai đoạn tiền mãn kinh.

– Kinh thưa và có biểu hiện cường kinh (kinh ra nhiều gây mệt mỏi).

Để điều trị, trước tiên phải đi khám để loại trừ khả năng tăng sinh nội mạc bất thường, sau đó sẽ bổ sung progesterone để giảm lượng máu kinh đồng thời bổ sung các vitamin, sắt để giảm bớt mệt mỏi và căng thẳng vào thời điểm kinh nguyệt.

Th.S-BS NGUYỄN HỒNG HOA (giảng viên bộ môn sản Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM)

Số điện thoại tư vấn: 043.995.3167