Rối loạn tiền đình, stress và mất ngủ

Rối loạn tiền đình, stress và mất ngủ

Các triệu chứng ban đầu thường ít xuất hiện, nếu có thì có thể là mất ngủ, người mệt mỏi. Nếu cơn nhẹ, bệnh nhân có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã.

Rối loạn tiền đình, căn bệnh mất thăng bằng:

Nôn thốc nôn tháo, chóng mặt khi thay đổi tư thế, mọi vật như đảo lộn, quay cuồng… Đó là các triệu chứng rối loạn tiền đình.

Các triệu chứng ban đầu thường ít xuất hiện, nếu có thì có thể là mất ngủ, người mệt mỏi. Nếu cơn nhẹ, bệnh nhân có thể cố gắng đứng dậy được nhưng mất thăng bằng, dễ ngã. Nếu cơn nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy nổi, buồn nôn và có thể nôn dữ dội gây mất nước, điện giải, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn. Người bệnh tỉnh táo, đầu không đau nhức nhưng nặng trĩu như bị nén, ép lại; sợ ánh sáng, tiếng động và sự thay đổi tư thế, muốn tìm sự yên tĩnh. Mạch thường nhanh, huyết áp hạ, người mệt lả.

 

Có khá nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình: môi trường, thời tiết (chuyển mùa), nhiễm độc (hóa chất, thuốc, ăn uống…), tuần hoàn kém và các vấn đề tâm thần kinh như căng thẳng, tâm lý không ổn định.

Việc khống chế những cơn chóng mặt “khủng khiếp” là rất cần thiết và phải kịp thời. Để người bệnh nằm nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh. Chọn tư thế nằm thích hợp như: nghiêng trái hoặc phải, hoặc nằm ngửa. Nếu buồn nôn thì cho nôn hết ra, nhưng sau đó phải cho uống bù nước và điện giải; orezol là dung dịch được lựa chọn. Xen kẽ cho người bệnh uống một cốc sữa nhỏ có đường đặc thật nóng. Việc dùng thuốc nhất thiết phải theo chỉ định của bác sĩ.

Stress & mất ngủ, căn bệnh của thời hiện đại:

Stress là một phản ứng tự nhiên của cơ thể trước sự đe dọa và cũng là nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật trong xã hội hiện đại.

Phản ứng stress của cơ thể hoạt động giống như thiết bị báo động, khi có kích thích, hệ thống thần kinh giao cảm sẽ tăng tiết cortisol và adrenaline vào tim, tuần hoàn máu và ôxy tăng lên ở chân và tay, tạo ra phản ứng “sẵn sàng chiến đấu” cho phép chúng ta đối đầu hay thoát khỏi sự nguy hiểm. Phản ứng tự nhiên này vô cùng cần thiết, nhưng nếu quá mức hoặc vô hiệu thì thật nguy hiểm.

Kiểm soát phản ứng stress như thế nào?

Yếu tố gây stress có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, có thể là tắc đường, một cuộc tranh luận không có hồi kết, nhưng hệ thần kinh thường không phân biệt được một sự đe dọa về thể lực hay tinh thần hay cảm xúc.

Điều quan trọng là thay đổi nhận thức và làm sáng tỏ nguyên nhân gây stress. Khi đó, phản ứng cũng sẽ thay đổi theo. Thư giãn là một biện pháp tốt để giảm stress.

Stress thường đi đôi với rối loạn giấc ngủ:

 Rối loạn giấc ngủ là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới do nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh biểu hiện dưới ba hình thái chủ yếu là mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ.

Giải pháp khoa học nào cho bạn?

Bạn chú ý cuộc sống là cả một con đường dài, hãy biết cân bằng cuộc sống mỗi ngày.

Nếu bạn có những biểu hiện nghiêm trọng liên quan tới rối loạn tiền đình, rối loạn giấc ngủ, stress, cần đến các phòng khám chuyên khoa để có phương pháp chẩn bệnh và trị bệnh hệ thống

(Theo 24h.com)