>> Nguyên nhân gây mắc sán lá gan lớn?
>> Benzimidazol – Thuốc trị giun sán hiệu quả
Bệnh sán lá gan lớn tiên khởi như một bệnh thường gặp của động vật nuôi và gia súc như cừu, người chỉ đóng vai trò như vật chủ tình cờ. Sán lá gan lớn có thể định vị trong đường mật, nơi mà chúng có thể đẻ trứng, có thể làm gia tăng sự hình thành sỏi mật do đóng vai trò như một ổ trứng (nidus) của chúng. Sán đang sống hoặc đã chết có thể bít tắc đường mật gây nên tình trạng ứ mật và đôi khi gây cả viêm đường mật.
Trong bệnh sán lá gan lớn, các chuyên gia đã phân chia thành hai giai đoạn cư trú của sán trong cơ thể người. Giai đoạn cấp là thời kỳ xảy ra đồng thời với sự xâm nhập của sán vào gan và giai đoạn mạn tính do sự có mặt của sán trong đường mật. Các ấu trùng của sán lá gan đóng kén trên các thực vật thủy sinh như rau cải soong mọc hoang dại và việc con người tiêu hóa các thực vật thủy sinh thu hái từ vùng nhiễm bệnh dẫn đến nhiễm khuẩn là tất yếu.
Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân có thể biểu hiện sốt kéo dài, đau hạ sườn phải, gan to và tăng bạch cầu ái toan nên có thể dễ dàng bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý nội khoa và truyền nhiễm khác. Các triệu chứng này giảm đi trong giai đoạn mạn tính và có thể gây nên tình trạng ứ mật, viêm đường mật khi sán đi vào đường mật.
Mặc dù một số vùng ở nước ta là vùng lưu hành bệnh sán lá gan lớn, song chẩn đoán chưa hề được nghĩ đến một cách thận trọng trước khi làm thủ thuật tận cùng là nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) vì các tác giả đều nghĩ rằng đây là nguyên nhân vẫn còn hiếm gặp gây tắc nghẽn đường mật.
Tuy nhiên, y khoa đã báo cáo một số trường hợp điển hình bị tắc mật do sán lá gan lớn và được chẩn đoán nhầm là bệnh lý sỏi mật, viêm đường mật do sỏi… được điều trị nội khoa không khỏi nhưng khi được nội soi mật tụy ngược dòng phát hiện sán lá gan lớn và được lấy sản, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, không tái phát tắc mật, ứ mật. Do vậy, trước các bệnh nhân có biểu hiện ứ mật và thêm các triệu chứng tiêu hóa mơ hồ, cần lưu ý đến nguyên nhân do sán lá gan lớn, đặc biệt bệnh nhân đang sống trong vùng lưu hành bệnh.
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung
(Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn)