Hỏi: Em bị rubella từ tháng 11- 2006. Đến tháng 8-2007, em kiểm tra ở Bệnh viện Nhiệt đới thì có kết quả là: IgM 1,234IU/ml(+), IgG 1,450(+), BS cho rằng đây là kháng thể, không ảnh hưởng đến việc em có thai. Tuy nhiên, BS ở BV Phụ sản quốc tế lại dặn khi nào kết quả kiểm tra rubella IgM (-) thì em mới có thể có thai. Em không biết phải làm sao?
Trả lời:
– Virus rubella là một virus ARN đơn chuỗi, thuộc họ Toga virus. Virus truyền từ người này qua người kia qua chất tiết mũi họng. Bệnh nhân có khả năng lây truyền cho xung quanh từ bảy ngày trước khi phát ban cho đến bốn ngày sau khi phát ban.
Virus rubella nhân lên tại nhau thai và do đó sẽ lây truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ. Nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con là 90% trong ba tháng đầu thai kỳ, 50% trong tuần thai 12-17 tuần tuổi, và khoảng 30% sau 18 tuần.
Rubella được chẩn đoán bằng huyết thanh học. Kháng thể IgG và IgM xuất hiện 2-4 ngày sau khi xuất hiện ban, đạt nồng độ tối đa sau đó hai tuần. IgM giảm dần về âm tính trong vòng 1-2 tháng nhưng tồn tại kéo dài ở một số bệnh nhân 3-5%. Sự chuyển trạng thái IgG từ âm sang dương là bằng chứng chắc chắn của nhiễm rubella.
IgM rubella dương tính được dùng thường qui trong chẩn đoán nhiễm rubella cấp tính, nhưng có thể là IgM của virus khác như parvovirut B19. Tính đặc hiệu đối với rubella của IgM cần xác định lại tại phòng xét nghiệm chuyên khoa sâu để tránh chẩn đoán dương tính giả.
Khi mẹ nhiễm rubella, thai có nguy cơ sảy thai, dị dạng tim (52-80%), thương tổn mắt (50-55%), điếc (60%), chứng não nhỏ, chậm phát triển tinh thần (40%). Do đó có chỉ định phá thai nếu mẹ có bằng chứng nhiễm rubella trong ba tháng đầu vì nguy cơ bệnh lý cao. Chọc dò máu cuống rốn ở tuần thai 22 sẽ xác định xem thai có bị nhiễm rubella hay không nếu mẹ bị nhiễm rubella trước tuần lễ thứ 18.
Như vậy, theo tôi thì em nên chờ khi có kết quả IgM âm tính hẳn để có thai vì thời gian không lâu (1-2 tháng). Bởi vì, tuy khả năng lây cho thai của em thấp nhưng để tầm soát xem thai có bị ảnh hưởng hay không rất khó khăn, siêu âm và các kỹ thuật chẩn đoán tiền sản hiện nay cũng khó xác định được các dị dạng tim, các tổn thương mắt, và nhất là điếc thì không thể xác định. Kỹ thuật chọc máu cuống rốn cũng khó thực hiện và có nhiều tai biến.
ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA
Giảng viên bộ môn sản ĐH Y dược TP.HCM