Nghe nhiều người “rỉ tai” nhau, bác sĩ B.K.L. ở phường Tân Biên (TP. Biên Hòa) có thể giúp canh thai sinh con theo ý muốn, có người đã bỏ ra hàng chục triệu đồng cùng thời gian, công sức để đi canh thai.
Trót phóng lao, phải theo lao…
Chị H.T.O. (tên nhân vật đã được đổi), 35 tuổi, ở huyện Trảng Bom đã có 2 con trai. Vì muốn có thêm đứa con gái để thủ thỉ nên khi nghe một người bạn giới thiệu, chị đến phòng khám bác sĩ L. Do tuổi sinh đã lớn, lại có bệnh phụ khoa nên việc sinh con theo ý muốn của chị có phần khó khăn.
Ngoài 45 triệu đồng đưa cho bác sĩ L. từ năm ngoái, những lần điều trị bệnh phụ khoa tại phòng khám này, chị còn tốn khoảng 2 triệu đồng cùng hơn 1 triệu đồng để làm các xét nghiệm tại Trung tâm chẩn đoán y khoa Hòa Hảo (TP.Hồ Chí Minh) theo yêu cầu của bác sĩ L. Đến nay, canh đến chu kỳ thứ 9 mà chị O. vẫn chưa đậu thai.
Đi lại vất vả, chị O. nản chí nói: “Mỗi tuần tôi phải đến để bác sĩ canh trứng, “ngày cao điểm” phải đi 4 lần. Quá mệt mỏi, nhưng bỏ cuộc thì mất đứt số tiền ấy nên ráng theo”.
Gặp chúng tôi, chị N.T., 27 tuổi, ở TP. Biên Hòa vẫn còn xanh xao vì mới sẩy thai. Vợ chồng T. đã có một con gái 3 tuổi, muốn sinh con trai năm rồng nên cũng đến bác sĩ L. với giá canh thai 50 triệu đồng (chưa kể số tiền làm các xét nghiệm ở TP. Hồ Chí Minh).
T. kể cho chúng tôi nghe về quá trình đi canh thai mà theo T. là “trần ai”: Sau khi làm các xét nghiệm, có kết quả, T. đưa về phòng khám cho bác sĩ L. canh thai. Ở thời điểm gần ngày rụng trứng, bác sĩ L. yêu cầu T. đến phòng khám từ 4-5 lần/ngày. Sau 3 chu kỳ đi lại vất vả, cuối cùng T. cũng đậu thai nhưng do phải đi lại quá nhiều lần, T. đã không giữ được em bé. Vậy là T. lại tiếp tục đến phòng khám để bắt đầu một hành trình canh thai mới.
Tại phòng khám, chúng tôi còn gặp một sản phụ (xin giấu tên), 30 tuổi ở tận huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tới để khám thai. Chị cho biết sau 7 chu kỳ canh trứng, hiện chị đã có thai được 9 tuần tuổi. Chị tâm sự: “Vì gia đình chồng muốn có cháu đích tôn, nên tôi cũng bấm bụng gom góp, vay mượn được 50 triệu đồng đưa cho bác sĩ. Trong quá trình canh thai, đi lại vất vả cũng đành, nhưng nay đậu thai rồi, tôi xin bác sĩ L. cho về khám thai ở bệnh viện gần nhà, nhưng bác sĩ không chịu mà yêu cầu phải khám ở phòng khám này cho đến khi đẻ.
Nhà tôi cách đây hơn 50km, đi lại quá xa nên vợ chồng tôi đã thuê nhà trọ ở lại mấy tháng nay để bác sĩ khám, siêu âm, chích thuốc dưỡng thai. Mỗi lần tốn khoảng 300 ngàn đồng”.
Kiểu gì cũng thiệt…
Trong vai một người đi “săn” con trai năm rồng, chúng tôi có mặt tại phòng khám của vị bác sĩ này vào một buổi chiều cuối tháng 6.
Sau khi ngỏ lời muốn được canh thai để “kiếm” con trai, nhân viên phòng khám yêu cầu chúng tôi đóng 200 ngàn đồng tiền siêu âm để biết thực trạng “bộ máy trong”. Chúng tôi đề nghị được tư vấn trước khi thực hiện, nhân viên này yêu cầu nộp 100 ngàn đồng.
Phiếu siêu âm canh thai tại phòng khám của bác sĩ L.
Việc tư vấn chỉ diễn ra trong 5 phút, chủ yếu bác sĩ L. phổ biến “luật”: Tiền canh thai đóng đủ một lần ngay từ đầu với mức giá thấp nhất là 50 triệu đồng với điều kiện kết quả xét nghiệm bình thường và cao hơn nếu phải điều trị bệnh phụ khoa. Sau 12 chu kỳ canh không đậu thai, bác sĩ sẽ trả lại nửa tiền; đậu thai, nhưng thai không đúng giới tính mong muốn, trả lại nửa tiền; đậu thai nhưng chưa biết giới tính mà bị sẩy thai, thai chết lưu thì được canh lại, không thu thêm tiền; đậu thai sau khi biết giới tính thai nhi đúng như mong muốn, nhưng thai bị sẩy, chết lưu hoặc các sự cố khác, không trả lại tiền; bệnh nhân tự ý bỏ ngang, không đi khám đúng lịch hẹn không được trả lại tiền; có thai tự nhiên ngoài lần “được phép” gặp nhau, không trả lại tiền; sau khi có thai, mọi dịch vụ hỗ trợ thai kỳ, như siêu âm, thực hiện sàng lọc trước sinh, thuốc dưỡng thai… phải trả tiền riêng.
Trong quá trình tư vấn, bác sĩ L. yêu cầu chúng tôi phải tắt nguồn điện thoại, không được ghi âm, chụp hình. Sau 5 phút tư vấn, chúng tôi được “khuyến mãi” 2 phút để hỏi. Khi chúng tôi bày tỏ thắc mắc: “Nếu sinh được con theo ý muốn thì tốt, nhưng còn các trường hợp khác, chỉ thấy có lợi cho bác sĩ, người đi canh kiểu gì cũng thiệt”, nữ bác sĩ này quả quyết: “Nếu em tính toán quá thì thôi!”.
Được biết, trước đây bác sĩ L. làm việc tại khoa niệu thận của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Sau khi học xong kỹ thuật siêu âm màu, nữ bác sĩ này nghỉ việc về mở phòng mạch tư. Tuy bảng hiệu là chuyên siêu âm, nhưng bác sĩ L. lại khá “nổi tiếng” về khám thai và đặc biệt là canh thai sinh con theo ý muốn.
Trước đây giá canh thai ở phòng khám này chỉ khoảng 30 triệu đồng/ca, bước qua năm Thìn, giá tăng lên 50 triệu đồng/ca. Theo một nhân viên của phòng khám, từ đầu năm đến nay, có khoảng gần 20 ca đến canh thai, chủ yếu là canh sinh con trai. Điều đáng nói là có những trường hợp canh và đậu thai tại đây, tuần nào sản phụ cũng phải đến để siêu âm, nhận thuốc uống và phải trả từ 300-500 ngàn đồng/lần.
Theo điểm c, khoản 2, điều 9, Nghị định số 114/2006/ NĐ-CP ngày 3-10-2006 của Chính phủ về “Hành vi lựa chọn giới tính thai nhi”, phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với hành vi “áp dụng phương pháp nhân tạo để tạo nên giới tính thai nhi theo mong muốn”. Hình thức xử phạt bổ sung là: “Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 3-6 tháng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này”; buộc tiêu hủy các loại phương tiện sử dụng trong phương pháp tạo giới tính thai nhi được sử dụng để thực hiện hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.
* Chị N.T. kể: Khi bị sẩy thai ở tuần thứ 8, vợ chồng chị có đến phòng khám bác sĩ L. để xin lại một phần tiền trong số 50 triệu đồng đã đưa. Không những không được động viên, chia sẻ, vợ chồng T., vị bác sĩ này cùng các nhân viên còn mắng T. té tát.
TheoĐồng Nai Online