Sự nguy hiểm của các virut gây bệnh tay chân miệng

Sự nguy hiểm của các virut gây bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, song người lớn cũng có thể mắc. Mọi người đều có nguy cơ nhưng không phải ai bị lây cũng mắc bệnh. Thời điểm này có nhiều ca bệnh ở phía Nam, do vậy các bậc cha mẹ cần có những hiểu biết cơ bản để phòng ngừa và chăm sóc trẻ tốt hơn.

Các dấu hiệu bệnh đặc biệt chú ý

Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng sốt, kém ăn, mệt mỏi và thường đau họng nhẹ. Đặc biệt, bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, bệnh do nhiễm siêu vi hoặc bệnh thủy đậu. Trong 1 – 2 ngày sẽ xuất hiện những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước. Ở miệng có dạng vết loét, có đường kính từ 4 – 8mm, thường ở phía trong miệng, ở trên lưỡi, tại vòm miệng hoặc ở lợi răng làm trẻ nuốt đau. Với triệu chứng này, cha mẹ thường nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay. Bệnh lây truyền từ người này qua người khác do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, miệng, nước bọt, dịch của mụn dộp hoặc phân của người nhiễm.

Trẻ nhũ nhi có thể có ban dạng sẩn vùng mông hoặc nơi quấn tã lót. Trong giai đoạn cấp, ngoài những dấu hiệu trên, đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng như hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, sổ mũi, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Trong giai đoạn diễn tiến, khi siêu vi gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì, mê sảng hay co giật.

Nhận dạng các tác nhân gây bệnh

Là virut thuộc nhóm enteroviruses (virut đường ruột). Tác nhân thường là Coxsackievirus A16, Enterovirus 71 hoặc một loại virut khác trong nhóm enteroviruses.  Nhóm virut đường ruột (enterovirus) gồm: polioviruses, coxsackieviruses, echoviruses và các enteroviruses khác.

Coxsackievirus A16: Virut Coxsackie lần đầu tiên được phân lập trong phân người tại thị trấn Coxsackie, New York vào năm 1948 bởi G. Dalldorf. Virut này thuộc họ Picornaviridae chủng Enterovirus. Virus Coxsackie thuộc một phân nhóm của Enterovirus, chỉ có một chuỗi ribonucleic acid (RNA) làm vật liệu di truyền. Enterovirus cũng được xếp vào nhóm picornaviruses (nghĩa là virut có chuỗi RNA nhỏ).

Virut Coxsackie phân thành 2 nhóm A và B.

– Nhóm A: Gây hoại tử cơ và chết. Virut týp A (chủ yếu serotype A16) gây herpangina (các mụn nước ở họng, hầu, tay, chân). Bệnh tay chân miệng là tên thường gọi của bệnh nhiễm virut này. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, người lớn vẫn có thể mắc. Týp A còn gây viêm kết mạc.

– Nhóm B: Gây tổn thương nội tạng nhưng tình trạng ít nặng hơn. Virut týp B gây tình trạng đau màng phổi, biểu hiện bằng sốt, đau ngực, đau bụng, nhức đầu trong vòng từ 2 – 12 ngày, còn được gọi là bệnh Bornholm. Virut có tất cả 24 týp huyết thanh (có kháng nguyên khác nhau trên bề mặt virut). Virut Coxsackie nhiễm vào tế bào của ký chủ và làm vỡ tế bào (lysis). Cả 2 týp virut A lẫn B có thể gây viêm màng não, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim nhưng thường ít gặp.

Enterovirus 71 (EV71): Nếu là do virut coxsackie A16 gây ra thì thường bệnh ở dạng nhẹ và tự khỏi không cần điều trị trong khoảng từ 7 – 10 ngày. Hiếm khi có biến chứng viêm màng não virut. Nhưng nếu là do enterovirus 71 thì rất nguy hiểm hơn, bởi bệnh có thể gây viêm màng não, viêm não, liệt… dễ dẫn đến tử vong nếu phát hiện và điều trị muộn. Bệnh lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết mũi họng, nước bọt, dịch của bọng nước, phân của người bệnh. Tuần lễ đầu tiên sau khi phát bệnh là lúc dễ lây nhiễm nhất.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi song người lớn cũng có thể mắc. Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhưng không phải ai bị lây cũng mắc bệnh. Trẻ em, thiếu niên dễ mắc bệnh bởi vì chưa có kháng thể và miễn dịch từ những lần tiếp xúc trước đây. Sau khi nhiễm bệnh sẽ có miễn dịch bảo vệ nhưng bệnh nhân có thể bị mắc lại nếu nhiễm loại virut gây bệnh loại khác. Đây là một trong những bệnh gây đau miệng. Cần chẩn đoán phân biệt với nhiễm Herpes gây viêm miệng và nướu răng. Các bác sĩ lâm sàng có thể phân biệt với các bệnh gây đau miệng khác thông qua tuổi mắc bệnh, dấu hiệu của bệnh, khám thấy ban và đau.

Thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh là cách điều trị phòng tốt nhất

Là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng để giảm thiểu những biến chứng, gia đình nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế nếu thấy trẻ có biểu hiện bệnh để điều trị kịp thời. Cách xử trí  thông thường là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, điều trị triệu chứng như dùng thuốc hạ sốt, giảm đau như acetaminophen hay ibuprofen. Sốt và khó chịu sẽ đỡ sau 3-4 ngày. Phồng rộp trong miệng và họng sẽ hết sau khoảng 7 ngày. Bọng nước trên tay và chân sẽ hết sau khoảng 10 ngày.

Tuy chưa có cách phòng bệnh đặc hiệu (ví dụ vaccin) song có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng các biện pháp thực hành vệ sinh. Các biện pháp đó bao gồm: rửa tay (đặc biệt sau khi đi vệ sinh hay vệ sinh cho trẻ), lau sạch các bề mặt bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và nước, sau đó tiệt trùng bằng dung dịch chloraminB. Tránh các tiếp xúc gần với trẻ bệnh (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng cá nhân…), cần cách ly trẻ bị bệnh tại nhà đến khi khỏi bệnh. Nên chăm sóc trẻ bằng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, súc miệng nước muối ấm sau bữa ăn. Nhân viên y tế cần mang khẩu trang, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh bằng chloramin B, xử lý chất thải theo đúng quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa. 

ThS. Phạm Anh Tuấn