Sữa làm xoa dịu ổ loét dạ dày

Sữa làm xoa dịu ổ loét dạ dày

Bị viêm loét dạ dày nên dùng sữa, trứng vì đây là nguồn đạm có khả năng trung hòa acid.

>> 5 thực phẩm dễ gây viêm loét dạ dày

>> Chế độ ăn trong viêm loét dạ dày

Trong một đời người, có đến 10% khả năng xuất hiện một cơn đau do viêm loét dạ dày tá tràng gây ra. Tại các nước đã phát triển, tỷ lệ bệnh viêm loét dạ dày tá tràng (VLDDTT) được phát hiện là 1 – 3%. Với những người đã mắc bệnh một lần thì tỷ lệ tái phát trong 5 năm cao đến 50%.

Bình thường, tại niêm mạc dạ dày luôn có sự cân bằng giữa yếu tố bảo vệ (hàng rào tế bào biểu mô, lớp màng nhày, lượng máu lưu thông đến dạ dày) và yếu tố phá hủy (acid do dạ dày tiết ra). Chất acid từ tế bào thành dạ dày được tiết ra chỉ để tiêu hóa thức ăn và niêm mạc dạ dày phải được bảo vệ an toàn nhờ lớp màng nhày do các tế bào tiết nhày nằm ở niêm mạc dạ dày tiết ra. Vì một yếu tố nào đó làm tăng tiết acid quá nhiều hoặc do lớp màng nhày được tiết ra không đủ thì chất acid này sẽ tấn công chính dạ dày của mình.

Ăn uống không điều độ, ăn trễ bữa, bị trào ngược dịch mật – dịch tụy (do khối u, sỏi, giun… gây tắc nghẽn), uống cà phê, ăn nhiều gia vị, lo âu, căng thẳng… làm dạ dày tiết nhiều acid.

Việc sử dụng kéo dài các thuốc kháng viêm, giảm đau  hút thuốc lá, uống rượu… làm tổn thương tế bào niêm mạc và giảm tiết nhày. Chỉ cần một yếu tố làm tăng “phá hủy” hoặc giảm “bảo vệ” sẽ dẫn đến bệnh VLDDTT. Các nghiên cứu cũng cho thấy khi có sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori tại dạ dày thì khả năng bị loét dạ dày rất cao.

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh VLDDTT xuất hiện rõ ở 50% trường hợp, 40 – 45% bệnh nhân có triệu chứng mơ hồ và có đến 5 – 10% bệnh nhân không có triệu chứng gì (gọi là loét câm) chỉ được chẩn đoán khi có biến chứng.

Dấu hiệu đau của VLDDTT có thể gợi ý như đau vùng thượng vị, đau rát, nóng, như dao cắt… Cơn đau thường âm ỷ liên tục, ít khi quặn từng cơn. Đau có chu kỳ liên quan đến bữa ăn (đau lúc đói hoặc đau lúc no), đau theo mùa trong năm… Đau xuất hiện hoặc tăng lên khi ăn các thức ăn chua, cay… hoặc khi căng thẳng, lo nghĩ… Đau giảm khi uống các thuốc kháng acid hoặc thuốc băng niêm mạc dạ dày. Các dấu hiệu kèm theo có thể là ợ hơi, ợ chua, nôn, buồn nôn, chướng bụng, khó tiêu, đầy hơi, nặng nề sau ăn…

Việc chẩn đoán bệnh cần kiểm tra sớm mặc dù chỉ mới có các dấu hiệu mơ hồ, vì các biến chứng của bệnh khá nguy hiểm. Ổ loét ở gần môn vị có thể làm hẹp đường xuống của thức ăn gây nôn rất dữ dội. Ổ loét ăn vào mạng mạch máu dày đặc ở dạ dày gây xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi tiêu phân đen) rất thường gặp. Ổ loét sâu làm thủng dạ dày, dẫn đến viêm phúc mạc phải phẫu thuật cấp cứu.

Có 5% ổ loét dạ dày có khả năng bị ung thư hóa, trong khi loét tá tràng (thường gặp ở nam giới, bị lo âu, stress) thì chưa thấy hóa ác bao giờ. Các cơn đau dữ dội của VLDDTT có thể làm người bệnh sợ ăn uống hoặc không thể ăn uống gì một thời gian dài, dẫn đến thiếu chất, sụt cân và suy dinh dưỡng.’

Chẩn đoán & điều trị

Dựa vào cơn đau điển hình, chụp X quang dạ dày tá tràng có thuốc cản quang, chính xác nhất là nội soi dạ dày tá tràng và các xét nghiệm chẩn đoán H. pylori. Việc điều trị bằng thuốc được xem là lựa chọn hàng đầu, chế độ ăn chỉ giữ vai trò hỗ trợ trong việc tăng cường bảo vệ cho dạ dày và hạn chế các yếu tố phá hủy, cùng với việc thay đổi một số thói quen xấu có hại đến bệnh.

Dinh dưỡng khi bị viêm loét dạ dày tá tràng

Chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp hạn chế tăng tiết dịch dạ dày và trung hòa bớt acid của dạ dày, giảm tác động có hại đến niêm mạc dạ dày:

– Nên chia nhỏ bữa ăn (4 – 6 bữa ăn nhỏ trong ngày) vì ăn số lượng ít sẽ làm giảm sự căng dạ dày nên giảm tiết acid dạ dày.

– Nên ăn thường xuyên, đều đặn, không ăn quá no và không để bụng quá đói. Khoảng cách giữa các bữa ăn ngắn giúp trong dạ dày luôn có thức ăn để trung hòa acid và giảm đau.

– Cần ưu tiên các thức ăn tinh bột có tác dụng bọc, hút, thấm để bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp giảm kích thích tiết dịch vị, trung hòa acid như sữa, gạo nếp, bánh nếp, bánh mì, bánh bột năng, cơm, bánh quy…

– Nên dùng sữa, trứng vì đây là nguồn đạm có khả năng trung hòa acid; chất béo trong sữa, trứng có tác dụng ức chế tiết dịch dạ dày đồng thời làm tăng thời gian lưu thức ăn trong dạ dày.

– Thức ăn nên nấu mềm, hầm nhừ hoặc nếu cần thì cắt nhỏ, nghiền nhuyễn, cần ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày, thức ăn cùng với acid sẽ nhanh chóng được đưa xuống ruột non.

– Chất béo từ cá (mỡ cá, cá mỡ) được khuyên sử dụng vì cung cấp nhiều acid béo thiết yếu và năng lượng cho cơ thể, thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá…) sẽ giúp mau lành vết thương, vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.

– Tránh dùng thức ăn sống, thô, cứng, nhiều chất xơ như gạo lứt, đậu đỗ, một số rau trái… trong thời gian đau cấp tính. Rau lá nên chọn ăn lá non, mềm như rau đay, rau mồng tơi, dền…

– Tránh dùng các loại kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị như: ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạc, trái cây chua, sữa chua, dưa hành, dưa cà muối chua, nước dùng thịt, thức ăn lên men như mắm, tương, chao; thịt nguội chế biến sẵn…

– Tránh dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

– Không ăn quá nhiều canh cùng bữa cơm vì làm căng dạ dày gây tiết acid.

– Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay để tăng lượng máu đến dạ dày và để không làm nặng hơn tổn thương viêm loét đã có.

– Một số thức ăn chiên có thể làm kích thích niêm mạc dạ dày.

– Hạn chế các loại rau sinh hơi như súp lơ xanh, bắp cải, củ hành, cải hoa, dưa leo, tiêu xanh, bắp, củ cải, dưa cải…

– Hạn chế và bỏ dần trà, cà phê đậm, rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt có gas…

Ngoài ra, cần tránh lo âu, căng thẳng tâm lý. Nên ăn uống trong không khí thư giãn, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh.

Tuy nhiên, tùy vào cơ địa mỗi người có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận các loại thực phẩm khác nhau, do đó hãy “lắng nghe dạ dày của mình”, rút ra những kinh nghiệm thực tế để có thể chọn lựa thực phẩm phù hợp nhất với chính mình.

Phòng ngừa tái phát

Khi vết loét đã lành vẫn nên duy trì 2 – 3 bữa ăn phụ giữa các bữa ăn chính, không ăn quá no hoặc để quá đói, chọn thức ăn mềm, tránh những thức ăn kích thích niêm mạc dạ dày và gây tăng tiết dịch dạ dày kể trên. Ăn uống điều độ, đúng bữa, không nhịn đói, bỏ bữa.

Kiểm soát các lo âu căng thẳng là vấn đế cần ưu tiên hàng đầu khi đã có VLDDTT. Vệ sinh cá nhân (rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh), vệ sinh ăn uống tránh nhiễm H. pylori. Khi sử dụng thuốc, lưu ý với bác sĩ về tiền căn bệnh VLDDTT của mình để được dùng thuốc phù hợp, uống thuốc khi bụng no.