Hỏi: Hai năm trước em uống thuốc trị bệnh bướu cổ. Gần đây tóc em rụng nhiều, da khô, hay ớn lạnh, ăn uống kém. Có phải em bị suy giáp do uống thuốc nhiều không? Điều trị suy giáp như thế nào?
Trả lời: Suy giáp là một tình trạng bệnh lý của tuyến giáp, liên quan đến sự suy giảm chức năng tuyến, giảm sản xuất hocmon giáp, và hậu quả cuối cùng là rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
Có nhiều nguyên nhân gây suy giáp, có thể liệt kê sơ lược một vài nhóm nguyên nhân chính sau đây:
– Suy giáp tiên phát: có tổn thương hoặc rối loạn chức năng tại chính tuyến giáp, gây mất sự kiểm soát ngược của hocmon giáp (T , T ) lên tuyến yên (ở não), làm gia tăng TSH (loại hocmon do tuyến yên tiết ra) nhưng lượng hocmon giáp trong máu lại giảm thấp hoặc rất thấp. Suy giáp tiên phát thường gặp sau quá trình điều trị các bệnh lý về tuyến giáp trước đó (như viêm tuyến giáp, Basedow, bướu giáp nhân, bướu giáp độc…) bằng thuốc uống, bằng iod phóng xạ hoặc bằng phẫu thuật. – Suy giáp thứ phát: nguyên nhân gây suy giáp do tổn thương ở ngoài tuyến giáp. Có thể tổn thương tại tuyến yên (do u tuyến yên, phẫu thuật tuyến yên hoặc hoại tử tuyến yên). Ngoài ra, có thể gặp suy giáp do tổn thương hay rối loạn chức năng vùng dưới đồi ở não bộ (còn gọi là suy giáp đệ tam cấp).
Người bị suy giáp lâu ngày có một số biểu hiện bên ngoài đặc trưng như: mặt tròn bì bì (ít biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt), vẻ mặt già trước tuổi, lưỡi to dày (do thâm nhiễm dạng nhầy) và khàn tiếng, phù niêm, da khô bong vảy, lông tóc thưa, khô, móng tay chân giòn dễ gãy. Thường sợ lạnh (mặc áo ấm trong mùa hè), rối loạn kinh nguyệt, hay táo bón, tăng cân…Tuy nhiên suy giáp giai đoạn sớm có thể không có biểu hiện gì, chỉ phát hiện được bệnh nhờ các phương tiện cận lâm sàng.
Siêu âm tuyến giáp để đánh giá kích thước và các bất thường về giải phẫu tuyến giáp là lựa chọn đầu tiên vì sự tiện lợi dễ thực hiện và giá trị chẩn đoán cũng khá tốt. Ngoài ra, chụp xạ hình tuyến giáp (đo độ tập trung I131) có thể được chỉ định để định típ rối loạn tổng hợp hocmon của tuyến giáp.
Với xét nghiệm máu, có thể thấy lượng hocmon giáp lưu hành thấp hơn ngưỡng bình thường, lượng TSH tăng cao, có thể hiện diện các kháng thể kháng giáp (viêm giáp tự miễn), thiếu máu, thiếu hoặc thừa iod…tùy theo nguyên nhân gây nên suy giáp.
Khi đã chẩn đoán chắc chắn bị suy giáp, đa số trường hợp phải uống thuốc thay thế hocmon giáp suốt đời. Với trường hợp đặc biệt là suy giáp do dùng thuốc kháng giáp dài ngày, thì sau khi ngưng thuốc kháng giáp có thể tuyến giáp sẽ hồi phục trở lại và tình trạng suy giáp tự khỏi.
Cụ thể trường hợp của bạn, để biết chính xác có phải bị suy giáp hay không, và suy giáp do thuốc hay do nguyên nhân nào khác, bạn cần đến bệnh viện hoặc đến khám thêm bác sỹ chuyên khoa nội tiết.
ThS. BS. Võ Thị Quỳnh Như