Tại sao trẻ nhỏ dễ bị thiếu máu thiếu sắt?
Hỏi: Tại sao trẻ nhỏ dễ bị thiếu máu thiếu sắt?
Trả lời:
Thiếu máu là tình trạng hay gặp ở trẻ (trên 30 % trẻ dưới 2 tuổi bị thiếu máu.. Thiếu máu làm cho trẻ chậm lớn, khả năng đề kháng kém, dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp. Trẻ lớn, bị thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, hay mệt mỏi, chậm tiếp thu, sức học giảm sút. Vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm để phòng thiếu máu cho trẻ sớm.
Thiếu máu do thiếu sắt ( thiếu máu dinh dưỡng ), là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin xuống thấp hơn giới hạn bình thường( trẻ 6 tháng – 6 tuổi < 110 g/l)
Trong năm đầu tiên của cuộc đời trẻ tăng trưởng rất nhanh, do đó lượng sắt cần nhiều hơn. Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt duy nhất. Sắt trong sữa mẹ tuy ít nhưng tỉ lệ hấp thu cao. Nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu sát dẫn đến thiếu máu. Sắt cần cho quá trình tăng trưởng các mô ( tổ chức, cơ quan ) và tăng khối lượng hồng cầu. Nhu cầu sắt cho 1 kg thể trọng trẻ em cao hơn so với người trưởng thành, trong khi đó lượng thức ăn cho trẻ lại ít hơn. Thức ăn bổ sung cho trẻ thường là bột gạo, loại thức ăn nghèo sắt và chất sắt trong gạo rất khó hấp thu. Bữa ăn của trẻ ít thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, rau xanh, quả chín…. Nhiều trẻ cho ăn bổ sung ( ăn sam, ăn dặm )quá sớm , thức ăn bổ sung nghèo dinh dưỡng sẽ dẫn đến thiếu máu. Khi trẻ có biểu hiện thiếu máu ( da xanh, niêm mạc nhợt), hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn Trẻ lớn hay mệt mỏi, ít tập trung, sức học giảm sút , các bậc phụ huynh nên cho con đi khám tư vấn dinh dưỡng, để có biện pháp can thiệp kịp thời và có chế độ ăn phòng thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ.
Bác sỹ Cao Thị Hậu