Các bệnh về tuyến giáp liên quan đến sự tăng hay giảm cân là vấn đề thường gặp đặc biệt là ở phụ nữ. Theo thống kê, phụ nữ bị mắc các bệnh về tuyến giáp nhiều hơn 5 lần so với nam giới, phổ biến nhất là bệnh suy tuyến giáp. Nhiều người thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn và tập luyện mà kết quả giảm cân không theo mong muốn hoặc không có hiệu quả, và không hiểu tại sao?
Bệnh suy tuyến giáp biểu hiện sự suy giảm chức năng của tuyến giáp là căn bệnh thường gặp hơn cả. Khi lượng iốt cung cấp cho cơ thể qua thức ăn và đồ uống không đủ, dẫn đến sự tổng hợp các hormon (thyroxine – T3, triothyroxine – T4) tuyến giáp bị suy giảm. Người bệnh xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, xanh xao, ăn không ngon miệng, da khô, rụng tóc, giảm trí nhớ, kém chịu đựng với lạnh, đặc biệt là bị tăng cân – điều gây phiền muộn cho nhiều chị em phụ nữ. Việc tăng cân không liên quan đến chế độ ăn (do ăn nhiều), thậm chí ở một số chị em thực hiện chế độ ăn kiêng và tập luyện thể dục thể thao nhưng không đạt được hiệu quả giảm cân mong muốn. Vấn đề là ở chỗ, sự suy giảm chức năng tuyến giáp làm giảm sự trao đổi chất trong cơ thể nói chung và trong hệ thống cơ bắp nói riêng, kìm hãm sự huy động mỡ trong việc cung cấp năng lượng dẫn đến sự tích lũy mỡ ở các tổ chức mô, tăng hàm lượng cholesterol máu.
Bệnh cường tuyến giáp biểu hiện sự tăng cường hoạt động chức năng của tuyến giáp với việc tăng tiết các hormon tuyến giáp. Bệnh thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 20-40 với các biểu hiện hay cáu bực vô cớ, mất ngủ, tim đập nhanh, tăng huyết áp, ra nhiều mồ hôi, tăng thân nhiệt, kém chịu đựng với nóng, đặc biệt là ăn rất ngon miệng, ăn nhiều nhưng cơ thể vẫn gầy còm. Giai đoạn muộn có thể xuất hiện run tay, lồi mắt…
Trong mỗi bệnh lý trên, ngoài việc chữa trị bằng thuốc, còn cần phải điều hòa cân nặng của cơ thể. Để đạt được điều đó cần phải có một chế độ ăn và tập luyện phù hợp.
Các bài tập thể dục thể thao có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong trường hợp chức năng tuyến giáp bị suy giảm thì các bài tập thể thao có tác dụng kích thích cường độ trao đổi chất, tăng cường sự tiêu hao năng lượng của cơ thể, giảm cân, cải thiện sự hoạt động của hệ thống tim mạch, nâng cao khả năng hoạt động thể lực. Kết quả là điều chỉnh sự rối loạn hormon và sự trao đổi mỡ trong cơ thể. Trong trường hợp bị cường tuyến giáp thì các bài tập thể dục thể thao không những cải thiện sức khỏe thể lực mà cả trạng thái sức khỏe tinh thần.
Phương pháp tập luyện: Trước khi bắt đầu chương trình tập luyện phải có tư vấn của bác sĩ nội tiết để quá trình tập luyện đạt hiệu quả, an toàn và điều hòa lượng hormon tuyến giáp về mức độ bình thường.
Tập luyện trong suy chức năng tuyến giáp: Tập luyện các bài tập chủ yếu có tính ưa khí, tức là rèn sức bền chung, với cường độ trung bình, thực hiện trong thời gian dài. Các bài tập như đi bộ nhanh, chạy, đạp xe đạp, các bài tập thể dục nhịp điệu đáp ứng tốt với yêu cầu trên. Ngoài tác dụng giảm cân (tiêu hao mỡ), các bài tập này còn tăng trương lực của hệ thống tim mạch, bị giảm do rối loạn cân bằng hormon tuyến giáp gây ra. Để đạt được hiệu quả, mỗi buổi tập nên kéo dài 30-60 phút, nhịp tim khi tập không nên vượt quá 180 lần/phút.
Do sự suy giảm chức năng tuyến giáp dẫn đến giảm chức năng tim mạch, giảm cường độ của quá trình chuyển hóa, giảm sức bền của cơ thể nên nếu tập luyện với cường độ cao có thể gây trạng thái choáng, ngất. Để tránh hiện tượng này, phải tuân thủ nguyên tắc tập luyện, nâng dần từng bước về cường độ hay thời gian tập và kiểm soát nhịp tim trong quá trình tập, có thể cần phải kết hợp dùng hormon thay thế theo chỉ định của bác sĩ. Ở những người bị suy tuyến giáp mạn tính, cần phải dùng hormon tuyến giáp ở dạng dược phẩm thường xuyên, suốt đời, chúng hoàn toàn không độc hại.
Chế độ tập luyện này cũng được áp dụng với những người sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
Tập luyện trong cường chức năng tuyến giáp: Để cải thiện sức khỏe thể lực và cân bằng trạng thái tâm thần kinh ở những người bị cường chức năng tuyến giáp, các bài tập căng giãn, tập yoga, tập múa, kết hợp các bài tập phát triển sức cơ với dụng cụ tập như tạ… rất phù hợp và cho hiệu quả cao. Trong mỗi buổi tập kết hợp tập đi bộ nhanh trong 15-20 phút để phát triển chức năng tim mạch và sức bền ưa khí. Vì ở những đối tượng này có mức độ chuyển hóa cao, nhịp tim trong yên tĩnh cao, nên khi tập nhịp tim tăng rất cao và sẽ chóng mệt nên phải tập luyện với cường độ trung bình và thấp, không tập khi đói và khi vừa ăn xong.