Thành tựu y học
Bước tiến mới chữa trị tim bẩm sinh bằng tim mạch can thiệp
>> Phẫu thuật điều trị các bệnh tim bẩm sinh
>> Tim bẩm sinh không tím, thái độ điều trị
Lần đầu tiên tại phía Bắc, BV Nhi Trung ương thực hiện thành công 2 kỹ thuật tim mạch can thiệp mới cho các bệnh nhi tim bẩm sinh.
Đó là điều trị trường hợp còn ống động mạch bằng lò xo kim loại (coils) và bít lỗ thông liên thất bằng dù. Thành công này mở ra cơ hội điều trị dễ dàng hơn cho nhiều bệnh nhi tim bẩm sinh.
Không còn phải phẫu thuật nhiều bệnh tim bẩm sinh phức tạp
Ngay khi sinh ra, cháu Phạm Gia H., 4 tuổi (Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam) thường bị khó thở trong khi bú, mặc dù được gia đình rất chăm chút, song sự phát triển thể chất của cháu H. không được như các bạn cùng tuổi. Cảm nhận thấy sự bất thường về sức khỏe của cháu, gia đình có đưa cháu đi khám và phát hiện bị dị tật tim bẩm sinh thông liên thất. Do thể trạng của bệnh nhi khá ốm yếu và phải dành dụm chi phí điều trị nên khi H. được 4 tuổi, gia đình mới quyết định đưa bé đến Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương với mong muốn được phẫu thuật vá lỗ thông.
Cùng mắc bệnh từ bé như cháu H., nhưng cháu Đỗ Việt A. 5 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) còn có tình trạng sức khỏe phức tạp hơn do đây là một bệnh nhi mắc chứng Down. Không mắc phải dị tật thông liên thất nhưng cháu Nguyễn Văn H., 3 tuổi (Hà Nội) lại bị dị tật còn ống động mạch khiến trẻ luôn ốm yếu, còi cọc, chậm lớn. Các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch cho biết, cả 3 trẻ đến nhập viện trong tình trạng bệnh đã có nhiều biến chứng, nhiều nguy cơ suy tim, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia tim mạch can thiệp đến từ Đại học Hamburg (Cộng hòa liên bang Đức), các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành đóng kín dị tật còn ống động mạch cho bệnh nhi Nguyễn Văn H. bằng lò xo kim loại (coils) và bít lỗ thông liên thất cho 2 bệnh nhi Phạm Gia H. và Đỗ Việt A. bằng dù qua da. Đây là những bệnh nhi dị tật thông liên thất và còn ống động mạch đầu tiên ở miền Bắc được điều trị bằng các kỹ thuật can thiệp tiên tiến này mà không phải trải qua phẫu thuật lớn có máy tim phổi nhân tạo. Chỉ sau vài ngày điều trị, các bệnh nhi đã được xuất viện.
Bít dù thông liên thất thành công tới 100%
Lần đầu tiên sàng lọc bệnh tim bẩm sinh với quy mô lớn
Vừa qua, tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, các bác sĩ đã tổ chức khám và lên kế hoạch điều trị cho gần 200 trẻ em bệnh tim bẩm sinh của tỉnh Bắc Ninh. Ðây là hoạt động khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. PGS.TS. Lê Ngọc Thành – Giám đốc Trung tâm, Phó Giám đốc Bệnh viện E cho biết, hầu hết các trẻ em được khám đều ở thể nặng, cần phải phẫu thuật. Hoạt động này sẽ được tiến hành trên nhiều địa phương khác trong thời gian tới. Có nhiều trẻ đã biến chứng sang suy tim vì các dị tật như thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, teo van tim. Những trẻ rất nặng sẽ được Trung tâm phẫu thuật ngay trong thời gian này. Trẻ bị tim bẩm sinh đang trong tuổi đi học sẽ cố gắng kiểm soát bệnh và sẽ được mổ trong dịp hè để không ảnh hưởng đến thời gian học tập của trẻ. Ðể hỗ trợ cho những gia đình nghèo có điều kiện chữa bệnh cho con, Trung tâm tìm kiếm nguồn tài trợ từ Tổ chức VinaCapital và kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức và người hảo tâm
|
ThS. Cao Việt Tùng, người trực tiếp thực hiện các ca can thiệp đầu tiên này cho biết, thông liên thất là một trong những bệnh tim bẩm sinh rất thường gặp. Trước đây, bệnh lý này phải mổ mở để vá lỗ thông. Trẻ phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, các bác sĩ phải cho ngưng tim và thay thế tuần hoàn tự nhiên bằng hệ thống tim phổi ngoài cơ thể.
Việc trải qua phẫu thuật lớn nhiều giờ đồng hồ khiến nhiều trẻ nhỏ quá không đủ sức, nhiều trẻ phải chờ đủ cân nặng. Nhưng có khi chờ đủ cân thì tình trạng suy phổi và suy tim do biến chứng đã nghiêm trọng. Vì vậy, bằng thủ thuật đưa dụng cụ vào mạch máu từ đùi để nút lỗ thông sẽ tránh cho trẻ những hạn chế của phẫu thuật mở, thời gian nằm viện ngắn và chăm sóc đơn giản.
TS. Lê Trọng Phi, chuyên gia Trung tâm Tim mạch ĐH Hamburg Đức cho biết, việc can thiệp cho trẻ em rất khó khăn, bởi mạch trẻ nhỏ, đòi hỏi phẫu thuật viên phải nhạy cảm trong từng thao tác và là những bác sĩ tim mạch giỏi. Bệnh nhi sau khi được gây mê hoặc tiền mê, các chuyên gia sẽ đưa một dụng cụ nhỏ chứa một chiếc dù được thu gọn qua tĩnh mạch bẹn lên thất trái, sang thất phải và làm nở đầu xa của dù bên thất trái; sau đó dụng cụ được rút sang thất phải và thả nốt đầu còn lại của dù. Như vậy, dù đã được nở ra như hình số 8 với eo số 8 nằm chính tại vị trí lỗ thông, hai đầu của số 8 sẽ mắc lại ở hai bên tâm thất ở vách liên thất làm cho dù không bị tuột ra. Như vậy, lỗ thông đã được bịt lại và các dụng cụ sẽ được rút ra ngoài. Tỷ lệ thành công trong phương pháp này có thể tới 100%.
Cơ hội chữa trị sớm cho các trường hợp còn ống động mạch
Còn ống thông động mạch là một dị tật tim mạch khá phổ biến ở trẻ em, chiếm 18 – 20% tổng số tim bẩm sinh. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương mổ cho hơn 100 trẻ mắc bệnh này. Còn thông liên thất chiếm khoảng 25% các bệnh tim bẩm sinh. Các dị tật này nếu không được xử trí sớm, trẻ có thể dẫn đến suy tim, thậm chí tử vong.
Đối với các trường hợp còn ống động mạch, ThS. Tùng cho hay, trước đây, phẫu thuật tim phổi nhân tạo đóng ống động mạch là lựa chọn duy nhất cho bệnh lý này, tuy nhiên đây là một phẫu thuật rất lớn, thời gian mổ lâu (thường 7 – 8 tiếng) gây đau đớn nhiều, để lại sẹo lớn ở ngực, bệnh nhân lâu hồi phục (thường 10 – 15 ngày) và đặc biệt trường hợp động mạch không được khâu kín có thể sẽ xảy ra chảy máu và bệnh nhi tử vong ngay trên bàn mổ.
Bằng kỹ thuật can thiệp, các bác sĩ sử dụng ống thông dẫn đường được đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu lên nơi cần can thiệp. Một ống thông nhỏ chứa các cuộn lò xo kim loại bằng platinum nhỏ và mềm (coils) được đưa lần lượt vào còn ống động mạch để làm tắc hoàn toàn lỗ thông. Toàn bộ quá trình thao tác được kiểm soát bằng màn hình có hiển thị bản đồ mạch máu và ống thông trong lòng mạch một cách chính xác.
Sau khi chụp kiểm tra đánh giá kết quả, ống thông được rút ra khỏi động mạch đùi và băng ép vị trí chọc động mạch đùi để cầm máu. Tuy nhiên, thực hiện kỹ thuật này ở trẻ nhỏ khá khó khăn, đặc biệt là trẻ sơ sinh nếu can thiệp không khéo có thể gây phình, vỡ mạch rất nguy hiểm.
Trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, TS. Lê Trọng Phi bày tỏ, ông rất hài lòng với các bác sĩ tim mạch can thiệp ở đây, họ là những bác sĩ còn rất trẻ nhưng thực sự là những chuyên gia trong công việc. Việc phát triển mạnh mẽ những kỹ thuật can thiệp mới sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho những trẻ bị tim bẩm sinh có cơ hội được chữa trị sớm và hiệu quả.
Theo Lê Hảo
SK&ĐS