Viêm amidan là nhóm bệnh hay gặp, đứng hàng đầu trong những bệnh lý về họng. Bệnh có thể tiến triển cấp tính hay mạn tính. Viêm amidan cấp là bệnh thường gặp trong tình trạng nhiễm trùng còn phổ biến ở nước ta.
>> Món ăn – bài thuốc chữa viêm amidan mạn tính
>> Làm sao biết bị viêm amidan?
Tỷ lệ bị bệnh khoảng 10% dân số. Viêm amidan rất hay tái phát và có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt đối với trẻ em..
Họng là nơi tập trung nhiều các tổ chức lympho. Tại một số vùng của họng các tổ chức lympho tập trung lại thành từng đám gọi là các amidan hay các hạnh nhân, các amidan quây lại thành vòng bạch huyết Waldeyer bao gồm: amidan vòm (V.A), amidan vòi, amidan khẩu cái (thường gọi tắt là amidan), amidan lưỡi và hạch Gillet. Các amidan này sản xuất ra các tế bào lympho T và B tham gia vào miễn dịch tế bào để bảo vệ cơ thể, trong đó quan trọng nhất là amidan vòm (V.A) và amidan khẩu cái (amidan). Viêm amidan hay gặp ở trẻ lớn (trên 7 tuổi) và người lớn.
Điều trị viêm amidan cũng phụ thuộc vào giai đoạn của viêm amidan là cấp hay mạn tính.
Viêm amidan cấp được chia làm hai loại là viêm amidan cấp đỏ (do virut) và viêm amidan cấp trắng (cấp mủ – do vi khuẩn).
Nguyên nhân gây viêm mũi họng thường là do virut (chiếm 60-80% các nguyên nhân gây bệnh). Một số trường hợp viêm họng do vi khuẩn: thường gặp là phế cầu, Hemophilus influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu b tan huyết nhóm A (khoảng 20%).
Điều trị viêm amidan cấp trắng (do vi khuẩn) ở trẻ em
Toàn thân:
Kháng sinh toàn thân, nhóm thuốc hay sử dụng nhất là b lactam như clamoxyl, augmentine, zinnat, cephalexine… có hoạt tính trên phần lớn các chủng gram dương và gram âm, thuốc có nhiều đặc tính ích lợi và hữu hiệu với tác động diệt khuẩn chống lại nhiều tác nhân gây bệnh thông thường, bao gồm các chủng sản xuất b – lactamase. Tác động diệt khuẩn này đạt được là do ức chế sự tổng hợp màng tế bào bằng cách gắn kết vào các protein đích thiết yếu. Nhóm b lactam thường có hoạt tính với các nhóm vi khuẩn: hiếu khí gram âm: Escherichia coli, Klebsiella sp, Proteus mirabilis, Proteus rettgeri, Haemophilus influenzae… Hiếu khí gram dương: Staphylococcus aureus và Staphelococus epidermidis (bao gồm các chủng có sản xuất pennicilinase trừ các chủng kháng methicilline), Streptococus pyogenes (và những streptococci tán huyết â), Streptococcus pneumoniae… Kỵ khí: cầu khuẩn gram dương và gram âm.
Nhóm thuốc này được hấp thu tốt qua đường tiêu hoá và nhanh chóng bị thủy phân ở niêm mạc ruột và trong máu để phóng thích thuốc vào hệ tuần hoàn. Thuốc hấp thu tốt nhất khi được uống trước hoặc trong bữa ăn. Nồng độ tối đa đạt trong huyết thanh sau 2 – 3 giờ. Thời gian bán huỷ trong huyết thanh từ 1 – 1,5 giờ. Mức độ gắn kết với protein thể hiện khác nhau từ 33-50% tùy theo phương pháp được dùng. Nhóm thuốc này không bị chuyển hoá và được đào thải bởi quá trình lọc ở cầu thận và sự thải ở ống thận.
Thận trọng khi trẻ có biểu hiện dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Nếu dùng thuốc dài ngày có thể đưa đến hiện tượng tăng sinh các vi khuẩn không nhạy cảm như nấm… lúc này phải ngưng thuốc. Chứng viêm đại tràng giả mạc, do đó phải cân nhắc khi sử dụng nhóm thuốc này ở những trẻ đang bị tiêu chảy.
Nếu nghi ngờ viêm amidan do nguyên nhân liên cầu b tan huyết nhóm A phải điều trị ngay bằng kháng sinh chống liên cầu như pennicilin G và kéo dài quá trình điều trị trong 2 tuần.
– Thuốc hạ sốt, giảm đau: paracetamol là thuốc chủ đạo hay được thầy thuốc sử dụng do tính an toàn cao nếu sử dụng đúng cách và đúng liều. Liều khuyến cáo ở trẻ là 10mg/kg cân nặng/ngày.
– Thuốc giảm xung huyết, giảm phù nề: các men chống viêm a choay, amitase.
– Thuốc giảm ho.
Tại chỗ:
– Súc họng bằng các dung dịch kiềm loãng như bicacbonate, nước muối 0,9%…
– Thuốc kháng viêm, sát khuẩn tại chỗ như betadine, oropivalone, lysopaine…
Với viêm amidan mạn tính thường có chỉ định điều trị bằng điều chỉnh độ pH tại chỗ để chuyển môi trường của lông chuyển niêm mạc họng về môi trường kiềm, làm cho vi khuẩn khó phát triển. Nếu cần thiết có chỉ định cắt amidan.
ThS. Phạm Thị Bích Đào
(Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương)