Thuốc trị bệnh giảm tiểu cầu

Thuốc trị bệnh giảm tiểu cầu

Có nhiều nguyên nhân gây giảm tiểu cầu như giảm sản xuất tiểu cầu, tăng tiêu hao và phá hủy tiểu cầu, tăng bắt giữ tiểu cầu tại lách và giảm tiểu cầu do thuốc… Trong bài viết này, xin nêu một số thuốc gây giảm tiểu cầu và phương hướng điều trị, dự phòng bệnh này.

>> Giảm tiểu cầu không tìm ra nguyên nhân

>> Triệu chứng của ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát

Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong vấn đề cầm máu và đông máu. Tương tự hồng cầu và bạch cầu, tiểu cầu cũng được sản xuất bởi tủy xương. Giảm tiểu cầu xảy ra khi lượng tiểu cầu thấp hơn mức bình thường trong máu.

Tiểu cầu thường chỉ sống được từ 7 – 10 ngày trong máu ngoại biên rồi sau đó sẽ bị loại bỏ. Số lượng tiểu cầu trung bình trong máu vào khoảng 150.000 – 450.000 mỗi micrôlít máu (1 phần triệu của 1 lít). Gọi là giảm tiểu cầu khi lượng tiểu cầu trong máu ngoại biên thấp hơn 150.000. Tăng tiểu cầu khi số lượng vượt quá 450.000.

Cần chú ý là dù số lượng tiểu cầu giảm nhưng chức năng của chúng thường vẫn được duy trì nguyên vẹn. Ngược lại, một số bệnh lý có thể khiến chức năng của tiểu cầu bị rối loạn mặc dù số lượng vẫn bình thường.

Ở các trường hợp giảm tiểu cầu nặng có thể xảy ra chảy máu tự phát hoặc chậm trễ trong quá trình đông máu. Đối với những trường hợp giảm tiểu cầu nhẹ, chức năng đông máu, cầm máu có thể vẫn bình thường.

Các thuốc gây bệnh giảm tiểu cầu

Các thuốc hóa trị ung thư thường gây ức chế tủy xương dẫn đến giảm tiểu cầu. Các lợi tiểu thiazid, thói quen uống rượu kéo dài gây độc trực tiếp lên tủy xương. Thiếu vitamin B12 và acid folic có thể dẫn đến giảm sản xuất tiểu cầu ở tủy xương.

Đa số thuốc có thể gây ra giảm tiểu cầu bằng cách tạo các phản ứng miễn dịch chống lại tiểu cầu (giảm tiểu cầu do thuốc). Ví dụ: các sulfonamid; carbamazepin; digoxin; quinin; quinidin; acetaminophen; ifampin.

Điều trị giảm tiểu cầu

Heparin và các thuốc kháng đông tương tự như lovenox (enoxaparin – heparin trọng lượng phân tử thấp) đôi khi gây ra phản ứng miễn dịch chống tiểu cầu dẫn đến phá hủy tiểu cầu nhanh chóng. Tình trạng này được gọi là giảm tiểu cầu do heparin.

Điều trị tùy thuộc nguyên nhân và mức độ nặng, nhẹ. Một số tình huống đòi hỏi điều trị đặc hiệu và cấp thời trong khi số khác chỉ cần theo dõi định kỳ số lượng tiểu cầu bằng huyết đồ. Trong trường hợp giảm tiểu cầu tự miễn hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát có thể dùng corticoid để giảm phản ứng của hệ miễn dịch tấn công lên tiểu cầu. Trong các trường hợp nặng hơn, tiêm tĩnh mạch immunoglobulins (IVIG) hoặc kháng thể để làm chậm lại cơ chế miễn dịch. Các trường hợp kháng trị cần được xử lý bằng phẫu thuật cắt lách. Cần ngừng sử dụng một loại thuốc nào đó khi được xem là nguyên nhân gây giảm tiểu cầu.

Đối với các bệnh nhân giảm tiểu cầu do heparin (Heparin – Induced Thrombocytopenia – HIT), cần loại trừ ngay và tránh sử dụng lại heparin, kể cả heparin có trọng lượng phân tử thấp (lovenox) để đề phòng các phản ứng miễn dịch đối với tiểu cầu. Khi chẩn đoán là ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (Thrombotic Thrombocytopenic Purpura – TTP) hoặc hội chứng tăng urê máu tán huyết (Hemolytic Uremic Syndrome – HUS) cần thực hiện điều trị chuyển đổi huyết tương (plasmapheresis).

Phòng ngừa giảm tiểu cầu

Lọc thận nhân tạo trong trường hợp suy thận. Truyền tiểu cầu thường không cần thiết, trừ trường hợp bệnh nhân có tiểu cầu dưới 50.000 và đang xuất huyết, hay cần được phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật xâm lấn khác. Nếu tiểu cầu xuống dưới 10.000 thì cũng nên truyền tiểu cầu dù không xuất huyết. Khi nghi ngờ giảm tiểu cầu do heparin (Heparin – Induced Thrombocytopenia – HIT) hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối thường không khuyến nghị truyền tiểu cầu vì tiểu cầu mới có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nặng và kéo dài hơn.

Có thể phòng ngừa giảm tiểu cầu nếu biết rõ nguyên nhân và nguyên nhân đó cũng có thể phòng ngừa được. Tránh dùng các loại thuốc đã được biết là gây giảm tiểu cầu ở những bệnh nhân nhạy cảm. Tránh uống rượu đối với những bệnh nhân có giảm tiểu cầu do rượu. Tránh dùng các sản phẩm chứa heparin ở những bệnh nhân giảm tiểu cầu do heparin. 

 

 

 

BS. Đồng Ngọc Khanh