Thuốc với các rối loạn đốt sống cổ

Thuốc với các rối loạn đốt sống cổ
>> Tê nhức chân tay do thoái hóa cột sống
 
>> Tê tay do thoái hóa đốt sống cổ
 
Cột sống có 33 đốt sống: 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống cùng và 4 đốt sống cụt. Tủy sống bắt đầu ở trên tại ngay lỗ lớn xương chẩm nơi tiếp cận với hành não và tận cùng ở dưới ngang mức bờ dưới đốt sống thắt lưng thứ nhất. Trên dọc chiều dài của tủy được gắn với 31 đôi dây thần kinh sống, mỗi dây được gắn với tủy sống qua một rễ trước (rễ vận động) và một rễ sau (rễ cảm giác).

Rối loạn cổ có rất nhiều nguyên nhân như gai xương, thoát vị đĩa đệm, chèn ép tăng động cột sống… do mang vật nặng, ngồi lâu trước máy (lái xe, xem tivi, vi tính), làm việc với thiết bị rung mạnh, kể cả hút thuốc… đột nhiên thấy cứng và đau cổ, có thể một bên hoặc hai bên, đối xứng hoặc không, có thể đau lan ra tay, mặt có thể lệch về một bên. Người bệnh khó thay đổi tư thế cổ vì đau, muốn nhìn về phía nào đó phải quay cả người…

Chữa trị như thế nào?

Cẩn thận đi khám, nếu không có vấn đề gì “ghê gớm” mà chỉ là vẹo cổ đơn thuần có thể dùng các thuốc sau đây.

Thuốc giảm đau: Có nhiều loại như paracetamol hoặc paracetamol + codein như efferalgan codein hoặc có thể dùng các thuốc chống viêm, hạ sốt, giảm đau không steroid (AINS) như aspirin, ibuprofen hoặc thuốc ức chế chọn lọc COX-2 như celevoxil hoặc dẫn chất tổng hợp oxicam như piroxicam. Đau nặng có thể dùng thuốc phối hợp paracetamol AINS như alaxan (ibuprofen và paracetamol).

Kết hợp với thuốc mephenesin (biệt dược: decontractyl, decoztyl, decotatyl, decozactyl… có tác dụng thư giãn cơ, trấn tĩnh nhẹ. Dùng hỗ trợ điều trị các co thắt gây đau, thoái hóa đốt sống, vẹo cổ, rối loạn tư thế cột sống, đau lưng – thắt lưng và các tình trạng co thắt khác.

Chống chỉ định: Mẫn cảm thuốc, rối loạn chuyển hóa porphyrin.

Lưu ý: Không nên dùng thuốc cho người mang thai, người nuôi con bú. Không uống rượu khi dùng thuốc, dùng liều cao thuốc gây buồn ngủ, thuốc có thể gây phản ứng da, hiếm gây sốc phản vệ. Thuốc bôi: tránh bôi vào vết thương hở, nhiễm khuẩn, niêm mạc.

Hoặc kết hợp với tolperison (bd: efelysone, miorelax, mydocalm, tomeron…).

Thuốc có tác dụng thư giãn cơ vân và giãn mạch, tác dụng trên thần kinh trung ương, ức chế quá trình phản xạ gây đau được dùng cải thiện các triệu chứng tăng trương lực cơ liên quan đến hội chứng đốt sống cổ, viêm quanh khớp vai, thắt lưng, liệt cứng liên quan đến bệnh mạch máu não – tủy, thoái hóa đốt sống, di chứng phẫu thuật, chấn thương, xơ cứng cột bên teo cơ, bại não, thoái hóa não – tủy, bệnh mạch máu tủy và các bệnh não tủy khác.

Chống chỉ định: Nhạy cảm quá mẫn với thuốc, nhược cơ năng, mang thai. Người nuôi con bú, thuốc tiêm với trẻ em.

Lưu ý: Có thể bị nhược cơ, nhức đầu, hạ huyết áp, buồn nôn, nôn, đau bụng, ngứa ban, mày đay, phù thần kinh mặt, khó thở. Có thể tăng GOT, GPT, protein niệu, tê đầu chi, co cứng hoặc run chi, chóng mặt, bừng mặt, đổ mồ hôi… Hiếm sốc phản vệ.

Cũng có thể dùng thay thế bởi methocarbamol hoặc eperison (chất tương quan hóa học).

Tập luyện: Tùy mức độ đau, vẹo cổ, luyện tập cho vừa phải. Nằm giường hoặc đệm cứng, không gối đầu cao, luyện tập đầu, cổ là chính, nhẹ nhàng quay, cúi, ngẩng nghiêng sang trái – phải. Làm việc trước máy cần có chế độ nghỉ ngơi và tập nhẹ.

Bệnh lý cổ có thể bán cấp do thoái hóa cột sống dần dà kết hợp với chấn thương nhẹ hoặc lao động quá mức gây ra, dùng thuốc (một loại giảm đau và kết hợp một loại giãn cơ) và tập luyện, bệnh sẽ thuyên giảm nhanh chóng, hiếm tiến triển thành bệnh lý tủy. Tuy nhiên đa số người không chữa trị và luyện tập đều đặn, đến nơi đến chốn có thể có triệu chứng dai dẳng. Trường hợp bệnh lý rễ nặng, giảm chức năng vận động cần phải được phẫu thuật.        

DS. Phạm Thiệp