Tìm hiểu về vai trò của tuần hoàn máu với cơ thể

Tìm hiểu về vai trò của tuần hoàn máu với cơ thể

Máu là tổ chức lỏng, lưu thông trong hệ tuần hoàn. Trong 1 kg thể trọng, có 75 – 80ml máu. Trẻ sơ sinh có 100ml máu /kg cân nặng, sau đó khối lượng máu giảm dần. Từ 2 -3 tuổi trở đi khối lượng máu lại tăng dần lên, rồi giảm dần cho đến tuổi trưởng thành thì hằng định. Một người trưởng thành, bình thường máu chiếm 7 – 9% trọng lượng cơ thể. Một người nặng 50kg có khoảng 4 lít máu.

>> Nguy cơ thiếu máu thiếu sắt ở bà bầu

>> Biểu hiện thường gặp của bệnh thiếu máu

THÀNH PHẦN:

Máu gồm hai thành phần: thể hữu hình (huyết cầu) và huyết tương. Các thể hữu hình của máu là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, chiếm 43 – 45% tổng số máu, chỉ số này được gọi là hematocrit. Hồng cầu là thành phần chiếm chủ yếu trong thể hữu hình. Huyết tương chiếm 55 – 57% tổng số máu. Huyết tương chứa nước, protein, các chất điện giải, các hợp chất hữu cơ và vô cơ, các hocmon, các vitamin, các chất trung gian hoá học, các sản phẩm chuyển hoá … Huyết tương chứa toàn bộ các chất cần thiết cho cơ thể và toàn bộ các chất cần được thải ra ngoài. Huyết tương bị lấy mất fibrinogen thì được gọi là huyết thanh.

CHỨC NĂNG SINH LÝ CỦA MÁU:

Máu có rất nhiều chức năng, dưới đây là những chức năng cơ bản của máu:

1. Chức năng dinh dưỡng:

Máu mang trong mình toàn bộ các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể. Các chất dinh dưỡng được đưa từ ngoài vào qua đường tiêu hoá. Máu là con đường vận chuyển các chất dinh dưỡng sau quá trình tiêu hóa và hấp thu ở nhung mao ruột. Cả huyết tương và tế bào máu là hống cầu đều tham gia vào công việc vận chuyển này bằng cách hòa tan hay kết hợp với các chất chuyển trong huyết tương và trong hồng cầu. Ngoài ra bạch cầu còn vào lòng ống tiêu hoá nhận các chất dinh dưỡng theo kiểu “ẩm bào” và “thực bào”, rồi lại vào lòng mạch mang thêm một phần các chất dinh dưỡng cho máu. Các chất dinh dưỡng như axit amin, glucozơ, axit béo các loại vitamin, nước và khoáng được hấp thu từ ống tiêu hóa vào máu và được máu vận chuyển đến các mô cung cấp cho hoạt động sống của tế bào.

2. Chức năng bảo vệ:

Máu có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng nhờ cơ chế thực bào, ẩm bào và cơ chế miễn dịch dịch thể, miễn dịch tế bào. Máu cũng có khả năng tham gia vào cơ chế tự cầm máu, tránh mất máu cho cơ thể khi bị tổn thương mạch máu có chảy máu.

3. Chức năng hô hấp:

Máu mang Oxy từ phổi tới tế bào và mô, đồng thời máu mang cacbonic từ tế bào và mô tới phổi.

4. Chức năng đào thải:

Máu mang các chất sau chuyển hoá, chất độc, chất lạ tới các cơ quan đào thải (thận, bộ máy tiêu hoá, phổi, da ) để thải ra ngoài.

5. Chức năng điều hoà thân nhiệt:

– Máu tham gia điều hòa thân nhiệt, đặc biệt là ở các loài động vật đẳng nhiệt. Máu mang nhiệt ở phần “lõi” của cơ thể ra ngoài để thải vào môi trường hoặc giữ nhiệt cho cơ thể nhờ cơ chế co mạch da. Máu làm nhiệm vụ vận chuyển nhiệt, giữ nhiệt độ cơ thể chỉ thay đổi trong một phạm vi hẹp. Máu điều hoà nhiệt nhờ các đặc tính như tỉ nhiệt của nước, khả năng dẫn nhiệt cao … Nhờ đó mà duy trì được sự ổn định nhiệt độ bên trong cơ thể và đảm bảo cho cơ thể thích nghi được với nhiệt độ luôn luôn thay đổi của môi trường bên ngoài.

– Duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể và thích ứng với nhiệt độ môi trường ngoài là chức năng quan trọng của máu thông qua sự lưu thông và phân phối máu trên toàn cơ thể.

6. Chức năng điều hoà các chức phận cơ thể:

– Bằng sự điều hoà tính hằng định nội môi, máu đã tham gia vào điều hoà toàn bộ các chức phận cơ thể bằng cơ chế thần kinh và thần kinh – thể dịch. Máu đảm bảo sự cân bằng nước và muối khoáng cho cơ thể. Nước là thành phần không thể thiếu được của sự sống. Các phản ứng cơ bản của sự sống đều được thực hiện trong môi trường nước. Cân bằng nước đảm bảo sự sống còn của cơ thể. Thông qua chức năng này, máu trực tiếp duy trì áp suất thẩm thấu và độ pH của dịch thể  luôn hằng định.

– Máu lưu thông khắp cơ thể tạo ra môi trường liên hệ mât thiết giữa các bộ phận của cơ thể, và các chất do bộ máy này sinh ra có thể theo dòng máu tới tác động vào các bộ phận  khác giúp cho cơ thể hoạt động nhịp nhàng thống nhất. Hormon được vận chuyển bằng đường tuần hoàn đến nhóm tế bào khác cùng cơ thể có tác dụng điều tiết đặc hiệu tế bào đích. Hormon đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa các hoạt động cơ bản của cơ thể như trao đổi chất, phát triển, sinh sản.

Máu có những chức năng sinh lý vô cùng quan trọng đối với tất cả các bộ phận trong cơ thể. Thiếu máu, lưu thông máu không tốt hay còn gọi là máu xấu ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan. Vì vậy, việc đảm bảo khối lượng, thể tích máu, lưu thông máu là yếu tố tiên quyết trong duy trì chức năng của các bộ phận trong cơ thể.

DS. Thanh Xuân tổng hợp

Số điên thoại tư vấn: 0976 957 908 / 043 995 3167 / 04 85 85 75 78