Tự xoa bóp phòng chống hen phế quản

Tự xoa bóp phòng chống hen phế quản

Trong y học cổ truyền, hen phế quản thuộc phạm vi “háo chứng”, “suyễn chứng”. Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà y học trong và ngoài nước chứng minh: việc dùng đôi tay để day bấm một số huyệt vị châm cứu theo một phác đồ và kỹ thuật nhất định có tác dụng làm giãn phế quản, cải thiện chức năng hô hấp, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, góp phần phòng và chống bệnh hen phế quản với hiệu quả khá tốt.

Hen phế quản là một căn bệnh mạn tính và khó chữa, sự can thiệp trực tiếp của thầy thuốc chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, bởi vậy việc người bệnh nắm được vị trí một số huyệt vị và tự tiến hành các thao tác day bấm huyệt nhằm mục đích hỗ trợ điều trị cắt cơn và dự phòng tái phát có một ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Bài viết này xin được giới thiệu một quy trình tự xoa bóp phòng chống hen phế quản để bạn đọc tham khảo và vận dụng.

Xát day vùng cổ

 

Dùng tay xát nóng và day bóp vùng cổ trong 1 phút. Tiếp đó, xát vùng ngực trước từ xương đòn đến ngang mũi ức trong 2 phút sao cho vùng này nóng lên là được. Cuối cùng, dùng tay xát mạng sườn theo hướng chếch của xương sườn, tay phải xát bên trái và ngược lại, mỗi bên 1 phút.

Day ấn huyệt Thiên đột

 

Dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Thiên đột trong 1 phút. Vị trí huyệt Thiên đột: chỗ lõm sát bờ trên xương ức.

Day ấn huyệt Vân môn

 

Dùng ngón tay trỏ day ấn huyệt Vân môn trong 1 phút. Vị trí huyệt Vân môn: ở chỗ lõm giữa đầu trong xương cánh tay và xương đòn, cách đường trục giữa cơ thể 6 thốn.

Day ấn huyệt Đản trung

 

Dùng ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa day ấn huyệt Đản trung trong 1 phút. Vị trí huyệt Đản trung: điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường ngang qua 2 núm vú (ở đàn ông) hay đường ngang qua bờ trên 2 khớp ức sườn thứ 5 (ở đàn bà).

Day ấn huyệt Xích trạch

 

Dùng ngón tay trỏ day ấn huyệt Xích trạch trong 1 phút. Vị trí huyệt Xích trạch: gấp cẳng tay vào cánh tay để xác định nếp nhăn da tương ứng với khớp khuỷu, sờ vùng giữa nếp nhăn này thấy một gân to của cơ hai đầu cánh tay, huyệt nằm ở chỗ lõm cạnh bờ ngoài gân này.

Day ấn huyệt Ngư tế

 

Dùng ngón tay cái day ấn huyệt Ngư tế trong 1 phút. Vị trí huyệt Ngư tế: lấy ở chỗ tiếp giáp của da gan tay và mu tay, ngang giữa chiều dài xương bàn tay thứ nhất.

Day ấn huyệt Khí hải

 

Dùng ngón tay trỏ day ấn huyệt Khí hải trong 1 phút. Vị trí huyệt Khí hải: từ rốn đo thẳng xuống dưới 1,5 thốn hoặc từ điểm giữa bờ trên xương mu đo thẳng lên 3,5 thốn.

Day ấn huyệt Túc tam lý

 

Dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời hai huyệt Túc tam lý trong 1 phút. Vị trí huyệt Túc tam lý: sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra 1 khoát ngón tay là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.

Day ấn huyệt Phong long

 

Dùng 2 ngón tay cái day ấn đồng thời hai huyệt Phong long trong 1 phút. Vị trí huyệt Phong long: ở trên mắt cá ngoài 8 thốn, trong khe cơ hiện rõ khi vểnh và xoay bàn chân ra ngoài.

Quy trình trên phải được tiến hành kiên trì và đều đặn từ 1-2 lần trong ngày. Khi có cơn hen có thể tiến hành xoa bóp tăng cường với cường độ và thời gian lớn hơn. Khi làm, cần chú ý giữ ấm và tránh gió lùa cho người bệnh.

Theo cimsi.org.vn