Hàng chục ca tử vong vì Chân tay miệng nhắc nhở các mẹ rằng, đừng chủ quan. Theo thống kê của cục Y tế Dự phòng, những tháng cuối năm (9-10 và 11) số ca mắc còn tăng hơn nữa.
Điều trị chân tay miệng chủ yếu là giảm đau, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, hạn chế vận động, vệ sinh răng miệng, nhưng quan trọng là theo dõi phát hiện triệu chứng của biến chứng để đi bệnh viện kịp thời. Nếu thấy bé giật mình chới với, sốt cao liên tục, đi đứng lảo đảo, ngồi không vững, run tay khi cầm vật dụng, yếu tay chân, thì các phụ huynh nên mang trẻ đến bệnh viện ngay để khám chữa kịp thời.
Các em bé mắc chân tay miệng phần lớn mắc bệnh do virus Cox- sackie A 16 thường lành tính và tự khỏi sau 7-10 ngày, biến chứng thường ít xảy ra. Tuy nhiên, nhiễm chân tay miệng do E 71 có thể gây viêm màng não và hiếm hơn là các bệnh trầm trọng như viêm não hay liệt kiểu bại liệt. Viêm não do E 71 có thể gây tử vong. Năm nay, theo thống kê có đến 20% trường hợp chân tay miệng là do E 71.
Thông thường, bệnh này tấn công trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là nhóm trẻ 3 tuổi nhưng trẻ lớn và người lớn cũng có thể mắc.
Bé có thể mắc bệnh từ đâu?
– Bệnh lây rất nhanh qua đường hô hấp. Em bé sẽ dễ bị mắc chân tay miệng khi tiếp xúc với một người bị nhiễm bệnh do bị bắn nước bọt hoặc lây lan qua bàn tay, thức ăn đồ uống, sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ ăn uống bị nhiễm mầm bệnh…
– Đi bơi trong một bể chung với người nhiễm bệnh cũng khiến cho trẻ dễ bị mắc bệnh.
Biểu hiện nào cho thấy bé nhiễm chân tay miệng?
Dấu hiệu đặc trưng của chân tay miệng gồm: sốt, đau họng và nổi ban có bóng nước, biếng ăn, mệt mỏi…
Trong họng trẻ có các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bóng nước và tiến triển đến loét. Mẹ có thể thấy các tổn thương tương tự ở lưỡi, nướu và bên trong má. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các điểm phát ban phẳng hoặc có thể gồ lên mặt da, một số hình thành bóng nước lòng bàn tay, lòng bàn chân, đôi khi ở vùng mông, khớp gối.
Không phải tất cả các bé bệnh chân tay miệng đều có biểu hiện sốt. Nhưng những bé sốt thì thường có biến chứng hơn, đặc biệt là sốt cao liên tục hay sốt liên tiếp hơn 2 ngày.
Cách phát hiện sớm là khi trẻ quấy khóc than đau miệng bỏ ăn thì phải tìm hiểu ngay bé có lở miệng không, tìm xem ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối có lở bóng nước không. Những trẻ nhỏ không biết nói thường có biểu hiện ban đầu là bỏ ăn, chảy nước miếng nhiều, quấy khóc khi cho ăn là do có mụn nước trong miệng làm bé đau, các mẹ có thể tìm thêm các dấu hiệu khác như bóng nước.
Cẩn thận với những biến chứng
Biến chứng thường gặp của bệnh chân tay miệng bao gồm: viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Biến chứng đơn lẻ hoặc phối hợp với nhau như viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân, thường tử vong rất cao và diễn biến rất nhanh, có thể xảy ra trong vòng 24 giờ đồng hồ.
Vệ sinh là cách phòng ngừa tốt nhất
Bệnh không có thuốc điều trị đặc trị cũng như vaccine phòng bệnh, vì vậy việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào việc vệ sinh cá nhân và vệ sinh – khử khuẩn môi trường.
Nếu bạn đang sống trong vùng dịch, cần phòng lây lan bệnh sang người lành:
– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.
– Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
– Không được chọc vỡ các mụn nước, bọng nước trên da bệnh nhân.
– Giặt đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có cloramin.
– Theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.
– Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi hẳn bệnh.