Hỏi: Con trai tôi được 3 tuổi, nặng 13kg. Mấy tháng trước, cháu bị viêm họng, bé đi khám bác sĩ và được cho thuốc uống. Sau đó, cháu đi chơi nhiều và nằm quạt nên bị tái phát và biến chứng nặng hơn. Cháu sốt cao liên tục trong ba ngày và không ăn được gì.
Tôi cho cháu đi bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản phổi, đã cho uống kháng sinh liên tục trong vòng 2 tuần. Sau khi uống thuốc theo toa này, cháu hết sốt và ăn uống lại bình thường, nhưng bệnh ho vẫn không khỏi hẳn.
Tôi đã đưa cháu đi tái khám, bác sĩ cho thuốc uống nhưng đến giờ vẫn không hết. Cháu thường ho vào buổi tối, ban đêm khi thức dậy hay khi ngủ dậy vào buổi sáng và buổi trưa. Buổi tối ho là thức ăn ban chiều và sữa uống trước khi đi ngủ đều ói ra hết. Trước lúc bệnh, cháu được 14,5kg, nhưng giờ chăm sóc hết sức vẫn không lấy lại được mức cân nặng đó. Tôi rất lo lắng, không biết cháu bị bệnh gì, mong bác sĩ tư vấn.
Trả lời: Theo như bạn viết trong thư thì cháu bị ho dai dẳng nhiều tháng nay, cơn ho thường vào buổi tối, ban đêm khi thức dậy, hay ngủ dậy vào buổi sáng hoặc buổi trưa.
Các nguyên nhân gây ho kéo dài ở lứa tuổi của cháu có thể nghĩ đến là:
– Hen phế quản
– Ô nhiễm môi trường
– Trào ngược dạ dày thực quản
– Dị vật phế quản – phổi
– Tăng mẫn cảm phế quản sau viêm
– Lao
Hen (suyễn): trẻ ho kèm khò khè, tuy nhiên có khi cũng không có cơn hen điển hình mà chỉ biểu hiện ho kéo dài, và nhất là ho về đêm. Trong gia đình có thể có người bị bệnh hen suyễn hay các bệnh dị ứng như chàm, mề đay… Các yếu tố có thể làm khởi phát cơn hen là: khói, bụi, phấn hoa, lông thú (chó, mèo…), một số loại thức ăn, vận động. Phải đo chức năng hô hấp để phát hiện hội chứng tắc nghẽn hô hấp có đáp ứng thuốc giãn phế quản, tuy nhiên ở trẻ nhỏ có thể chỉ điều trị thử bằng thuốc giãn phế quản.
Ô nhiễm môi trường: Các yếu tố gây ho cũng giống như hen suyễn nhưng không gây co thắt phế quản như trường hợp hen.
Trào ngược dạ dày thực quản: thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn. Bệnh có thể chỉ biểu hiện bằng triệu chứng ho kéo dài và sáng dậy hay bị ói ra nhiều nhớt. Để chẩn đoán cần siêu âm bụng, đo PH thực quản trong 24 giờ.
Dị vật phế quản – phổi: do trẻ hít sặc thức ăn hay vật lạ vào phế quản – phổi. Chẩn đoán bằng nội soi phế quản.
Tăng mẫn cảm phế quản sau viêm: ho kéo dài sau khi nhiễm một số loại siêu vi hay vi trùng như virus hợp bào hô hấp, Mycoplasma, Clamydia… Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Lao: trong gia đình có người bị lao hoặc trẻ có tiếp xúc với người bị lao. Chẩn đoán bằng chụp X quang phổi, thử tốc độ lắng máu, phản ứng lao tố, tìm vi trùng lao trong dịch dạ dày…
Bạn cho biết cháu thường ho vào buổi tối, ban đêm khi thức dậy hay khi ngủ dậy vào buổi sáng và buổi trưa. Buổi tối ho là thức ăn ban chiều ăn vào và sữa uống trước khi đi ngủ đều ói ra hết nên khả năng cháu có thể bị trào ngược dạ dày thực quản. Vì khi nằm ngủ dịch trong dạ dày dễ trào ngược, gây viêm vùng họng làm cháu ho kéo dài và ói…
Bạn thử áp dụng những biện pháp sau đây xem cháu có bớt không:
– Mỗi bữa, cho cháu ăn khoảng 2/3 khẩu phần bình thường, khoảng cách giữa 2 bữa ngắn lại.
– Tối bạn cho cháu ngủ đầu cao một góc khoảng 30 độ (gối loại này có bán tại khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 1)
Sau nửa tháng, nếu tình trạng trên đã bớt thì tiếp tục trong 8 tuần. Nếu không bớt, bạn nên đưa cháu tới bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhi để được khám và làm thêm một số xét nghiệm (nếu cần).
Hiện tại cháu 3 tuổi, nặng 13kg, tuy chưa suy dinh dưỡng nhưng có biểu hiện sụt cân và cân nặng theo tuổi của cháu thấp so với cân nặng chuẩn. Ngoài việc điều trị ho kéo dài cần cho cháu xổ giun (6 tháng/lần).