Vì sao người béo có nguy cơ bị đái tháo đường

Vì sao người béo có nguy cơ bị đái tháo đường

 Đái tháo đường (ĐTĐ) đang trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu, căn bệnh này không chỉ là mối quan tâm của người dân ở các nước phát triển mà ngay ở những nước còn nghèo như nước ta thì tỷ lệ mắc bệnh cũng đang ngày một gia tăng. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ĐTĐ chính là bệnh béo phì.

Vì sao người ta mắc bệnh béo phì, những nguy cơ dễ mắc phải?

Béo phì là khái niệm chỉ trạng thái cơ thể tích quá nhiều mỡ. Bệnh béo phì có thể chia làm 2 dạng lớn là béo phì đơn thuần và bệnh béo phì có tính kế tiếp. Trong đó dạng béo phì đơn thuần chiếm đa số, các yếu tố liên quan được biết đến là di truyền, dinh dưỡng không hợp lý, thói quen lười vận động. Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh người ta có thể chia bệnh béo phì có tính kế tiếp thành các loại là: bệnh béo phì do vùng dưới đồi não, béo phì do thùy thể (tuyến yên), béo phì do giảm chức năng giáp trạng, tuyến thượng thận. Trong dạng béo phì này thì ở người trưởng thành bệnh do chứng tổng hợp và giảm chức năng tuyến giáp trạng, còn ở trẻ có thể do ảnh hưởng của vùng dưới đồi não (do u, bướu). Chính vì vậy đối với một người mắc chứng béo phì, điều quan trọng trước tiên là phải xem xét những nguyên nhân gây ra béo phì có tính kế tiếp, sau đó mới xét những yếu tố gây ra béo phì đơn thuần, có như vậy mới tìm ra được tác nhân chính xác để điều trị hiệu quả.

Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt, nguy hiểm hơn là nó gây ra nhiều chứng bệnh, làm giảm tuổi thọ và mất nhiều chi phí điều trị. Theo thống kê, người béo phì có tỷ lệ mắc bệnh tim và tắc nghẽn mạch máu não cao gấp 2 lần người có cân nặng bình thường, những căn bệnh như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… đều rất phổ biến, như vậy tuổi thọ của những đối tượng này giảm khoảng 4-8 năm so với người bình thường, chưa kể đến những trường hợp đột tử. Người béo phì còn giảm khả năng lao động và nhất là sức bền trong vận động, chức năng hô hấp, sinh sản cũng bị hạn chế, các bệnh gan mật hay mắc phải nhất là sỏi mật, gan nhiễm mỡ… và điều đặc biệt phổ biến là dễ mắc các bệnh nội tiết, trong đó đtđ là biến chứng hay gặp.

Béo phì gây ra ĐTĐ như thế nào

Trong cơ thể người, béo phì tồn tại một trạng thái bệnh lý đặc thù gọi là chất đề kháng insulin. Sau khi ăn, một lượng đường khá lớn được hấp thu vào trong máu, thông qua huyết dịch mà tuần hoàn đến mọi nơi trong cơ thể. Nhờ có insulin đường mới đi vào tế bào, được cơ thể sử dụng. Lượng đường glucose trong máu được duy trì trong một phạm vi an toàn nhất định cũng nhờ insulin. Sở dĩ insulin có đủ khả năng phát huy tác dụng đó là đầu tiên nó kết hợp với insulin thụ thể ở trên màng tế bào, sau đó dẫn dắt một loạt những chất truyền tín hiệu khác trong tế bào, đem thông tin “ó đường” được truyền vào các tầng lớp sâu trong tế bào. Sự trao đổi chất diễn ra trong bản thân tế bào để chuyển hóa đường thành năng lượng. Cơ chế vận chuyển, chuyển hóa glucose ở người béo phì có rất nhiều hạn chế do:

Số lượng insulin thụ thể trên màng tế bào bị giảm sút; chức năng của từng thụ thể đơn lẻ cũng bị suy giảm; những thụ thể sau khi được insulin kích hoạt, chức năng truyền tín hiệu vào sâu bên trong tế bào lại bị tổn thương; số lượng phân tử vận chuyển glucose giảm; chức năng gan chuyển hóa glucose thành đường nguyên chất để tồn trữ lại không bảo đảm… Với những nguyên nhân như trên, chất đề kháng insulin được sản sinh ra, lượng glucose trong máu vì thế rất khó chuyển vào tế bào, đây chính là hiện tượng đề kháng insulin.

Với người béo phì, thời kỳ đầu mới phát béo, chức năng sản xuất insulin còn bình thường nhưng dần dần do sự đề kháng insulin tăng lên làm hiệu quả hoạt động của chất này giảm sút. Để khắc phục hiện tượng này, tuyến tụy phải hoạt động quá sức dẫn đến chức năng sản sinh ra insulin ở tụy giảm dần, lúc này insulin trong cơ thể sẽ không đủ để duy trì việc chuyển hóa đường trong máu ở mức bình thường nữa. Do vậy ĐTĐ xuất hiện.

Hạn chế biến chứng ĐTĐ ở người béo phì thế nào

Trước hết để phòng bệnh mọi người nên giữ trọng lượng hợp lý. Phòng đtđ phải bắt đầu từ tránh bị thừa cân béo phì. Muốn vậy nên có chế độ dinh dưỡng: giàu chất xơ, giàu vitamin (rau xanh, trái cây tươi), hạn chế ăn mỡ và phủ tạng động vật, không ăn quà vặt, ít dùng đồ ăn nhanh, ăn bữa tối ít năng lượng. Về vận động, cần tập luyện hằng ngày tùy khả năng sức khỏe, nhưng vận động phải tiêu hao được năng lượng (cơ thể toát mồ hôi). Mặt khác phải bảo vệ được sức khỏe tinh thần vì stress cũng là một tác nhân gây béo phì. Những người thừa cân cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên, để không chỉ có chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp mà còn phát hiện sớm những căn bệnh nguy hiểm như đtđ, tim mạch, tăng huyết áp và được điều trị kịp thời. Tất cả những biện pháp giảm béo như hút mỡ, dùng thuốc đều phải có sự chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc có uy tín.

(Theo BS. Trần Quốc Minh – Báo SK&ĐS)