Phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh dễ mắc những bệnh lý mãn tính và bệnh viêm nhiễm, trong đó có viêm bàng quang cấp. Đây là bệnh lý thường gặp do vi khuẩn đi ngược dòng từ niệu đạo vào bàng quang gây bệnh.
>> Làm gì khi bị bàng quang cấp?
>> Nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ mang thai
Nguyên nhân
Phụ nữ khi đi tiểu, dòng nước tiểu xoáy dọc theo thành niệu đạo có thể làm những vi khuẩn ẩn náu quanh lỗ ngoài niệu đạo, sau đó đi ngược vào niệu đạo. Sau khi đi tiểu, niệu đạo khép từ trước ra sau, đẩy những giọt nước tiểu quanh lỗ ngoài niệu đạo đi vào trong bàng quang.
Ở phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ, dưới sự hỗ trợ nội tiết tố nữ, niêm mạc âm đạo, niêm mạc niệu đạo và niêm mạc bàng quang cùng với các hệ thống tuyến như tuyến skene, tuyến bartholine tiết ra những chất nhờn làm bôi trơn các thành ống và có tác dụng kháng khuẩn giúp cho bộ phận sinh dục ngoài luôn luôn được cân bằng nên vi khuẩn không có khả năng gây bệnh; đồng thời đi tiểu hết bãi không còn tồn dư nước tiểu và nước tiểu.
Phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh do nội tiết tố nữ giảm thấp nên vai trò của chất này không còn bao nhiêu kiến cho thành ống của đường tiết niệu cũng như đường sinh dục trở nên khô và teo. Đồng thời, các tế bào tuyến của biểu mô thành ống cũng không còn tiết nhiều chất nhờn nữa. Đây chính là yếu tố mà vi khuẩn có cơ hội phát triển gây bệnh.
Bệnh viêm bàng quang cấp còn có thể do các nguyên nhân khác như vi khuẩn được đưa vào bàng quang qua các thủ thuật như đặt sonde tiểu, soi bàng quang, vi khuẩn theo đường máu từ thận xuống bàng quang.
Các dấu hiệu nhận biết
Người bệnh đái buốt như cảm giác bị bỏng mỗi khi đi tiểu, kèm theo đau sau xương mu. Đái rắt, nhiều khi mỗi lần đi tiểu, chỉ ra vài giọt nước tiểu hoặc rất ít nước tiểu. Đái nhiều lần, đái đêm nhiều lần và có thể đái ra máu cuối bãi. Nước tiểu thường đục, mùi khó ngủi và đôi khi có máu. Các dấu hiệu toàn thân ít xảy ra, chỉ khi có dấu hiệu nặng, cảm giác ớn lạnh, sốt và đau nhiều vùng sau xương mu khi ấn vào.
Xét nghiệm huyết đồ: bạch cầu tăng, tập trung bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
Làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, có thể xuất hiện nhiều hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn. Khi cấy nước tiểu có thể xác định vi khuẩn gây bệnh.
Siêu âm ở những bệnh nhân viêm bàng quang cấp: thấy thành bàng quang dày, bờ thành không đều, có thể có cặn lắng trong bàng quang.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm bàng quang do lao: bệnh lý thường hay tái phát, triệu chứng hay gặp đái ra mủ, cấy nước tiểu không tìm ra vi khuẩn, ngược lại có thể thấy trực khuẩn lao. Điều trị thuốc kháng sinh thông thường, không đáp ứng.
Viêm bàng quang kẽ: đây là thể bệnh bàng quang còn chưa rõ ràng về nguyên nhân và cơ chế. Triệu chứng cơn đau bàng quang ngắt quãng, rối loạn đi tiểu. Soi bàng quang có thể thấy niêm mạc thành bàng quang loét và xơ hóa. Điều trị chống viêm nhiễm, giảm đau, kháng viêm. Nhưng kết quả tạm thời.
Ung thư bàng quang: bệnh lý này ít gặp chỉ gặp trong trường hợp ung thư cổ tử cung di căn bàng quang. Người bệnh đau vùng tiểu khung, đái ra máu toàn bãi và các triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung.
Điều trị
Sử dụng thuốc kháng sinh qua đường tiết niệu chủ yếu là thuốc dùng đường uống như: amoxicillin, augmentin, ciprofloxacin… Dùng thuốc kháng sinh trung bình 7 – 10 ngày. Kết hợp với thuốc chống co thắt như Spasmaverin, Spasless, Spasfon.
Cần ăn nhiều rau, trái cây, tránh dùng các chất khích thích như trà, cà phê, rượu. Uống nhiều nước trong ngày.
Vệ sinh vùng âm hộ sạch sẽ, bằng nước vệ sinh phụ khoa như dung dịch lactacyd FH, dung dịch gynofar. Mỗi lần đi tiểu cần lau bằng khăn giấy vệ sinh, tránh dùng vòi hoa sen rửa trực tiếp vào âm hộ, điều này giúp cho vi khuẩn ẩn náu ở lỗ ngoài niệu đạo có cơ hội vào trong niệu đạo rồi lên bàng quang theo dòng nước rửa.
Trường hợp nếu điều trị thuốc kháng sinh 10 ngày không kết quả, có thể cấy nước tiểu và làm kháng sinh đồ và điều trị thuốc theo kháng sinh đồ.
BS.CKII. TUÊ THÀNH