Viêm bàng quang kẽ (VBQK) là một hội chứng lâm sàng biểu hiện bằng đái buốt, đái rắt cả ngày lẫn đêm và đau vùng tiểu khung không rõ nguyên nhân. VBQK có căn nguyên, sinh lý bệnh không rõ ràng và tiêu chuẩn chẩn đoán không xác định được. Mặc dù có nhiều nghiên cứu đáng kể nhưng phương pháp điều trị hiệu quả vẫn chưa thống nhất. Nếu điều trị không khỏi sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân.
>> Viêm bàng quang ảnh hưởng như thế nào lên thai kỳ?
>> Tại sao phụ nữ hay bị viêm bàng quang?
Căn nguyên của VBQK vẫn còn chưa biết rõ, có thể do nhiều nguyên nhân phối hợp. Các căn nguyên được đưa ra bao gồm: Vai trò bệnh lý của dưỡng bào trong cơ thắt và hoặc trong các lớp cơ của bàng quang. Suy giảm lớp glycosaminoglycan của bề mặt lòng bàng quang làm tăng tính thấm của lớp tổ chức dưới niêm mạc bên dưới đối với các chất độc trong nước tiểu; Nhiễm khuẩn với các yếu tố có đặc điểm nghèo nàn (ví dụ với virut phát triển chậm hoặc với vi khuẩn cực khó tính); Sản sinh ra các chất độc trong nước tiểu; Tăng nhạy cảm thần kinh hoặc viêm nhiễm tại chỗ ở bàng quang hoặc ở mức tủy sống; Biểu hiện của giảm chức năng cơ nền chậu hoặc rối loạn chức năng tiểu tiện, rối loạn tự miễn.
Biểu hiện lâm sàng thường gặp
Vì VBQK không có căn nguyên rõ ràng và khó xác định nên biểu hiện lâm sàng thường không đặc hiệu.
Khởi đầu của triệu chứng thường cấp tính (nhưng không phải lúc nào cũng có). Bệnh nhân bị VBQK có tỷ lệ phối hợp cao với các tình trạng dị ứng, hội chứng ruột kích thích, đau xơ cơ và viêm tại chỗ âm hộ.
Các triệu chứng đái buốt, đái rắt, đau và đái khó có thể thay đổi từng ngày hoặc từng tuần, nhưng cũng có thể chẳng thay đổi gì cả trong nhiều tháng hoặc nhiều năm rồi tự nhiên khỏi dù có điều trị hay không. Ở phụ nữ, các triệu chứng có thể liên quan đến chu kỳ của buồng trứng, mang thai vào giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.
Có thể biểu hiện cảm giác khó chịu hoặc đau vùng tiểu khung, cảm giác mơ hồ khi bàng quang rỗng không hoàn toàn, hoặc cảm giác buồn tiểu không dứt.
Biểu hiện thường gặp nhất của VBQK là các triệu chứng đường tiểu dưới bị kích thích, người bệnh đái nhiều lần (hơn 8 lần/ngày). Đái nhiều lần ban ngày mà không đái đêm không phải là đặc điểm của viêm bàng quang kẽ. Nếu không đái đêm thì có thể là bệnh đái rắt do cảm giác.
Cảm giác đau khi bàng quang đầy là dấu hiệu thường gặp và có thể thấy được qua niệu động học hoặc qua chụp bàng quang. Bệnh nhân có thể thấy đau tiểu khung liên tục hoặc đau khi bàng quang đầy. Rối loạn tiểu tiện có thể gặp ở 50% các bệnh nhân nữ. Nam giới có thể thấy đau ở tầng sinh môn, háng, dương vật hoặc vùng bìu.
Chẩn đoán viêm bàng quang kẽ thường được đặt ra khi có các triệu chứng đái buốt, đái rắt kéo dài và đau tiểu khung xuất hiện mà không có căn nguyên nào đã xác định được từ trước, ví dụ như hội chứng nhiễm khuẩn đường tiểu dưới.
Xét nghiệm nước tiểu và cấy vi khuẩn niệu được đặt ra. Nhật ký tiểu tiện giúp ích trong sự thiết lập tần suất đi tiểu căn bản, cần thiết có thể soi bàng quang để chẩn đoán. Đánh giá niệu động học là sự lựa chọn nhưng không phải là xét nghiệm thường quy; dấu hiệu hoạt động quá mức của cơ thắt hoặc mất chức năng nền chậu có thể gợi ý chẩn đoán khác.
VBQK có thể nhầm với những bệnh nào?
Do bệnh không có dấu hiệu đặc hiệu nên có thể nhầm các bệnh lý khác cũng xuất hiện các triệu chứng như VBQK, ví dụ: Nhiễm khuẩn hoặc viêm nhiễm như: nhiễm khuẩn đường tiểu dưới tái diễn, túi thừa niệu đạo, viêm tuyến Bartholin hoặc tuyến Skene nằm ở bộ phận sinh dục nữ, viêm tiền đình âm hộ, viêm bàng quang do lao, viêm âm đạo (do vi khuẩn, virut) hoặc bệnh sán, các nguyên nhân phụ khoa như: khối ác tính vùng chậu, lạc nội mạc tử cung…; Các nguyên nhân tiết niệu như: ung thư bàng quang, viêm bàng quang do tia xạ, tắc đường bài xuất nước tiểu từ bàng quang, nước tiểu tồn dư nhiều; Các nguyên nhân thần kinh như: tăng phản xạ cơ thắt, bệnh Parkinson, bệnh đĩa thắt lưng cùng, hẹp tủy sống, u tủy sống, bệnh đa xơ củ, tai biến mạch máu não…
Các nguyên nhân khác như: bệnh thoát vị, viêm ruột, thoái hóa khớp…
Điều trị VBQK có dễ không?
Điều trị nội khoa
Điều trị VBQK bắt đầu bằng hướng dẫn người bệnh, xét tới yếu tố mạn tính tự nhiên của bệnh và các đánh giá thực tế về tình trạng bệnh, tiên lượng bệnh cũng như những đáp ứng tiềm năng với điều trị. Hỗ trợ về tâm sinh lý có vai trò quan trọng.
Trên lâm sàng, điều trị VBQK cần bắt đầu từ liệu pháp ít xâm phạm, rẻ tiền nhất, có thể thay đổi được và có điều chỉnh chế độ ăn uống. Sau đó, điều trị có thể tăng dần lên về mức độ xâm phạm tới một mức độ mà triệu chứng giảm đi.
Các bài tập về phản hồi sinh học và hồi phục nền chậu, chương trình luyện tập bàng quang và các hướng dẫn tâm lý là những can thiệp khởi đầu rất tốt. Các biểu hiện về đái buốt, đái rắt dường như cải thiện tốt hơn với những can thiệp này so với biểu hiện đau tiểu khung.
Một số thức ăn như cà phê, rượu, khoai tây, dấm, các chất gia vị, sô cô la… có thể làm trầm trọng triệu chứng của VBQK có thể báo trước bùng phát triệu chứng VBQK. Vì vậy nên tránh dùng những thức ăn này, thay thế bằng các loại khác.
Điều trị toàn thân: Có thể dùng các thuốc natri pentosan polysulfate (elmiron), kháng histamin, chống trầm cảm 3 vòng, thuốc giảm đau, chống viêm.
Điều trị trong bàng quang: Bơm trực tiếp các thuốc vào bàng quang qua ống thông niệu đạo. Có thể dùng dung dịch lidocaine 1%, trong đó có hòa tan natri bicarbonat, misoprostol (cytotec) và một số chất khác.
Các điều trị hỗ trợ như châm cứu và thôi miên.
Điều trị phẫu thuật: Đặt bộ khởi động thần kinh để điều trị đái buốt, đái rắt, đái rỉ cho kết quả hứa hẹn ở bệnh nhân VBQK.
Tiêm botulinum A trong cơ thắt bàng quang qua niệu đạo đang được nghiên cứu để điều trị những bệnh nhân có đái buốt, đái rắt do nguyên nhân thần kinh hay không do nguyên nhân thần kinh và đái rỉ do hoạt động quá mức của cơ thắt bàng quang.
Các điều trị phẫu thuật khác: Chiếu tia laser; kích thích điện (qua da, trong âm đạo,…); cắt thần kinh ngoại vi; làm tăng thể tích bàng quang; chuyển dòng tiểu (xâm phạm nhiều nhất, chỉ sử dụng như lựa chọn cuối cùng).
Tóm lại: Do VBQK dấu hiệu không rõ ràng, có thể phải khám chẩn đoán và điều trị kéo dài, vì vậy khi có các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, hoặc có các biểu hiện như trên nên đến thầy thuốc chuyên khoa để khám và điều trị, không nên để bệnh kéo dài hoặc tự ý điều trị.