Viêm cầu thận cấp thường gặp sau viêm họng

Viêm cầu thận cấp thường gặp sau viêm họng

Viêm cầu thận cấp (hay còn gọi là viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu) là một bệnh tổn thương cả 2 thận. Đây là bệnh lý phức hợp miễn dịch, bệnh diễn tiến cấp tính, quá trình viêm lan tỏa trong các tiểu cầu thận.

 

Biểu hiện lâm sàng bởi các triệu chứng: Phù, tăng huyết áp, đái máu và protein niệu. Bệnh hay gặp ở tuổi thiếu niên 3 – 10 tuổi và có thể gặp 5% ở người trên 50 tuổi. Viêm cầu thận cấp thường xảy ra sau khi bị viêm họng, viêm amidan, viêm phổi cấp, bạch hầu, thương hàn, sốt rét, thậm chí là sau nhiễm virus, sau tiêm văcxin và huyết thanh.

Ba triệu chứng lâm sàng chính là phù, tăng huyết áp và hội chứng nước tiểu. Các triệu chứng đầu tiên xuất hiện 1 – 3 tuần sau khi nhiễm khuẩn ở họng, amidan với các biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, nặng hai mí mắt, đau tức vùng thắt lưng, nước tiểu đục. Bệnh tiến triển sẽ xuất hiện phù, thường phù ở mặt, mí mắt trước, sau đó sẽ phù toàn thân, ấn tay vào thấy lõm, nếu giai đoạn này bệnh nhân không tuân thủ chế độ kiêng muối thì sẽ bị phù nhiều và có thể bị tràn dịch màng bụng, màng phổi.

Viêm cầu thận cấp gây biến chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, biến chứng thường gặp như suy tim cấp do tăng huyết áp, phù phổi cấp do phù và tăng huyết áp, bệnh nhân bị nhức đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, co giật kiểu động kinh rồi hôn mê.

Trong giai đoạn cấp tính của bệnh, bệnh nhân phải điều trị nội trú. Sau khi ra viện phải tuân thủ lời dặn của thầy thuốc và tái khám định kỳ, xét nghiệm theo dõi. Giữ gìn vệ sinh cơ thể để tránh bệnh ngoài da, tránh bị lạnh, không sống nơi ẩm thấp… Viêm cầu thận cấp nhiễm liên cầu đa số là khỏi sau 1 tuần – 3 tháng, điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, ăn nhạt, dùng thức ăn lợi tiểu (rau họ cải), theo dõi sau 1 – 2 năm không có protein niệu được gọi là khỏi bệnh hoàn toàn.

BSCK2 Tuấn Anh Huy (Chủ nhiệm khoa Nội thận, Bệnh viện 175)