Đây là bệnh lý viêm mạn tính các khớp ở cột sống và vùng chậu, gây hạn chế vận động của cột sống; hay gặp ở nam giới trẻ tuổi. Nếu nặng, bệnh nhân phải thay khớp háng.
>> Nguy cơ tàn phế do viêm khớp dạng thấp
>> 53% người mắc bệnh viêm khớp bị tàn phế
Bệnh thường bắt đầu từ từ, biểu hiện là đau và hạn chế vận động vùng cột sống thắt lưng, nhưng cũng có thể bắt đầu bằng viêm các khớp chi dưới (háng, gối, cổ chân). Người bệnh sốt, gầy sút, mệt mỏi. Khi bệnh đã rõ, cột sống thắt lưng đau nhiều, tình trạng đau thường nặng về đêm, cứng cột sống, thấy rõ nhất là lúc sáng sớm mới ngủ dậy. Bệnh nhân bị hạn chế các động tác cúi, nghiêng, quay; các cơ cạnh cột sống teo rõ, viêm, đau; hạn chế vận động hai khớp háng hoặc khớp gối.
Bệnh diễn biến kéo dài, có từng đợt tiến triển, sốt, gầy sút, cột sống và các khớp viêm tăng dần, nặng dần. Có thể có những tổn thương nội tạng kèm theo. Sau một thời gian (khoảng vài năm), toàn bộ cột sống dính không còn khả năng vận động (cổ, lưng, thắt lưng), hai khớp háng có thể dính hoàn toàn ở tư thế nửa co, bệnh nhân không bước đi bình thường được. Chức năng hô hấp có thể bị hạn chế do cột sống lưng dính.
Cần xét nghiệm để theo dõi sự tăng tốc độ máu lắng trong suốt thời gian bệnh tiến triển. Chụp X-quang: giai đoạn đầu, hình ảnh cho thấy có viêm khớp hoặc dính khớp vùng chậu cả hai bên; khi bệnh đã rõ, sẽ có hình cầu xương, hình thân cây tre.
Để tránh dính khớp và teo cơ, bệnh nhân cần tăng cường vận động, tập luyện, thể dục liệu pháp, xoa bóp, bơi… Dùng các thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc chống nhiễm khuẩn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và thay khớp háng khi cần thiết.
BS Phạm Minh Thìn, Sức Khỏe & Đời Sống