Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản là gì?

A- ĐỊNH NGHĨA

Tổn thương viêm cấp hoặc mạn tính của phế quản hay xảy ra nhất ở phế quản lớn và trung bình, nhiều khi cả ở trong khí quản. Nếu tình trạng viêm đó đến nhanh và sớm kết thúc  sau vài ngày,  thì gọi là viêm cấp, nếu kéo dài nhiều năm gọi là viêm mạn tính.

B- VIÊM PHẾ  QUẢN CẤP.

  1. Lâm sàng.  

· Bắt đầu: thường triệu chứng xảy ra khi viêm mũi họng. Người bệnh có sốt.

· Toàn phát: ho là dấu hiệu chủ yếu. Đầu tiên còn ít tiết dịch phế quản người bệnh  ho khan, sau đó khạc đờm gồm chất nhầy và mủ, sốt bắt đầu giảm. Khám lâm sàng: nghe thấy tiếng rên phế quản, trong giai đoạn ho khan thấy tiếng ho rên, ho ngáy, có khi rên rít rải rác hai bên phổi. Trường hợp viêm khu trú, chỉ nghe thấy các tiếng rên ở một vùng. Tới giai đoạn khạc đờm, xuất hiện rên ẩm, to hạt không đều. 

2.  Cận lâm sàng. 

· X quang: không thấy triệu chứng gì đặc hiệu.

· Đờm: có nhiều chất nhầy, bạch cầu thường đã thoái hoá, các tế  bào lớn của  phế quản có tiêm mao, ngoài ra có thể thấy vi khuẩn các  loại.

3.  Tiến triển. Thường chỉ vài ngày là khỏi. Có khi kéo dài nhiều tuần. Nhưng tiên lượng phụ thuộc vào bệnh  chính đã gây nên viêm phế quản.

4.  Nguyên nhân: co rất nhiều, có thể do nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn: viêm phế quản cấp thường nằm trong bệnh cúm, sởi, ho gà.  Lạnh đột ngột và ẩm cũng là  những yếu tố gây bệnh. Có người bị viêm vì dị ứng, trong công nghiệp người ta thấy nhiều trường hợp viêm phế quản cấp do hít phải  nhiều hoá chất, ví dụ clo.

5.  Sinh bệnh học: trong viêm phế quản cấp bao giờ cũng có phù nề và xuất tiết  nhiều ở niêm mạc phế quản. Nguyên nhân của hiện tượng đó có thể là tại chỗ hoặc  toàn thân  do nhiễm khuẩn, hoặc không do nhiễm khuẩn, mà chỉ có loại thần kinh và tiết dịch biểu hiện ở phế quản.

C- VIÊM PHẾ QUẢN MẠN TÍNH.

1.  Định nghĩa. Nếu người bệnh ho nhiều trong ít nhất hai năm, và mỗi năm  ít nhất ba tháng, có thể coi như bị viêm phế quản mạn tính.

2.  Nguyên nhân: không có nguyên  nhân đặc hiệu, bất kỳ nguyên nhân nào có thể gây  ra viêm phế quản cấp tái diễn nhiều lần, đều có thể gây ra viêm mạn tính: một bệnh mạn tính ở phổi cũng là một nguyên nhân của viêm phế quản mạn tính. Ta thường gặp trong:

– Nhiễm khuẩn mũi họng mạn tính: viêm xoang mặt, viêm họng, viêm tuyến hạnh nhân.

– Bệnh phổi mạn tính: lao phổi, bụi phổi. Hen phế quản cũng là đều kiện thuận lợi của viêm phế quản mạn tính.

Đặc biệt đối với người lớn tuổi, triệu chứng chức năng đầu tiên của ung thư phổi nhiều khi xuất hiện dưới hình thức viêm phế quản mạn tính. Đối với trẻ em ho nhiều, kéo dài có thể là do hạch to ở trung thất (sơ nhiễm lao, dị vật ở phế quản).

3.  Giải phẫu bệnh: có hai khả năng:

– Niêm mạc phế quản phì đại do phù nề  xuất tiết kéo dài.

– Niêm mạc teo.

Đôi khi có viêm quanh phế quản. Khi quá trình viêm đã kéo dài, phế quản mất tính chất đàn hồi, cứng lại.

4.  Sinh lý bệnh: do tiết dịch nhiều, kéo dài và  do phế quản mất tính chất đàn hồi, sự thông khí kém đi, dần dần xuất hiện suy hô hấp.

5.  Lâm sàng: người bệnh ho nhiều khi thay đổi thời tiết, thường về buổi sáng sớm, hoặc khi lao động  nhiều. Ho có thể ít hoặc nhiều đờm. Ngoài những đợt viêm cấp do bội nhiễm, không có sốt, người bệnh vẫn làm việc bình thường: ngoài cơn ho, khám lâm sàng không thấy gì đặc biệt.

6.  Cận lâm sàng.  

– Xquang: có thể thấy rốn phổi đậm do xung huyết. Ngoài ra không thấy triệu chứng gì đặc hiệu của bệnh.

– Thăm dò chức năng hô hấp: ở giai đoạn có biến chứng của hô hấp, có thể thay đổi bệnh lý. Nhưng đó không phải là phương tiện chẩn đoán thiết thực có lợi cho điều trị ngưng biến chứng của viêm phế quản mạn tính.

7.  Tiến triển:  

– Tốt: nếu chữa được nguyên nhân gây bệnh, ví dụ: cắt bỏ tuyến hạnh nhân chữa viêm xoang mặt, bỏ thuốc lá, chống lạnh.

– Xấu: tổn thương viêm làm thay đổi giải phẫu và sinh lý hô hấp, dần d6àn đưa tới suy hô hấp và suy tim phải.