Phân biệt Rubella và sởi

Phân biệt Rubella và sởi

Hỏi: Bệnh Rubella khác gì bệnh sởi?

Trả lời:

Sởi thường gặp ở trẻ từ 1 tuổi trở lên, thời gian nung bệnh từ 7-10 ngày. Bệnh khởi phát trong 2-3 ngày với các triệu chứng: sốt đột ngột từ 38oC trở lên, mắt ướt, kèm nhèm, ho, chảy nước mũi, tiêu chảy… Khi bệnh toàn phát thì sốt cao 38,5-39oC, li bì, mệt mỏi, các ban sởi dày, mịn, xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan ra mặt, cổ xuống thân mình, tứ chi trong 1-2 ngày. Bệnh sẽ lui khi hết sốt, ban bay dần theo trình tự mọc và để lại vết thâm trên da.

Bệnh sởi hay để lại nhiều biến chứng khi bệnh toàn phát hoặc lui bệnh như: viêm phổi, viêm phế quản… có thể gây tử vong, nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi; viêm tai giữa, viêm xoang, viêm răng lợi (nếu nặng bị cam tẩu mã); tiêu chảy có thể gây mất nước dẫn đến tử vong; suy dinh dưỡng; viêm loét giác mạc; lao và các bệnh nhiễm trùng khác.

Rubella thường phát triển mạnh vào dịp đông xuân. Bệnh xuất hiện từ nhiều năm nay ở Việt Nam, tuy nhiên lâu nay ít được chú ý vì có các triệu chứng và thời điểm bùng phát giống với sởi, và thường được thống kê chung vào bệnh này.

Bệnh Rubella có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nung bệnh từ 12-23 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt nhẹ, các dấu hiệu mắt ướt, ho, chảy nước mũi, ỉa lỏng… gần như không thấy. Khi bệnh toàn phát, các biểu hiện mới thấy rõ: mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước dãi và rõ ràng nhất là nổi mẩn đỏ trên da giống như bệnh sởi. Trẻ ít khi nằm li bì, xung huyết mắt, da mặt, hạch to ở dọc hai bên cổ, không đau.

Các nốt ban trên da dạng chấm đỏ rải rác, mọc không có quy luật và có thể thấy đau khớp. Khi bệnh lui thường hết sốt, ban bay nhanh không theo quy luật, không để lại các dấu vết trên da, hạch trở về bình thường muộn hơn, thường sau 1 tuần.

Hầu hết các ca nhiễm rubella hiện nay xảy ra ở người lớn trẻ chưa có miễn dịch hơn là ở trẻ em. Trên thực tế, các chuyên gia ước tính hiện có 10% số người lớn trẻ tuổi mẫn cảm với rubella, gây nguy hiểm cho đứa con mà họ có thể có vào một ngày nào đó.