Phẫu thuật hội chứng ống cổ tay bằng phương pháp nội soi là phương pháp điều trị mới tại Việt Nam. Kỹ thuật này mang lại nhiều ưu điểm cho người bệnh như ít đau đớn, có thể xuất viện trong ngày.
>> Điều trị hội chứng ống cổ tay không cần phẫu thuật
Điều trị như bên “Tây”
Đã mấy năm nay bệnh nhân Hoàng Thị Dung, 53 tuổi, ở Vụ Bản, Nam Định bị hội chứng ống cổ tay hành hạ. Bà không thể cầm nắm bất cứ vật gì, cảm giác đau đớn vào đêm thường tăng lên, nhất là những hôm thời tiết thay đổi. Bệnh nhân cũng đã đi khám và sử dụng nhiều loại thuốc đông, tây y kể cả những bài thuốc dân gian nhưng cũng không có kết quả. Kết quả khám ở Khoa cơ xương khớp – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho thấy các dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép nặng không có khả năng hồi phục, do vậy các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật bằng phương pháp nội soi.
Với kỹ thuật nội soi, bệnh nhân chỉ phải chịu 2 đường rạch da nhỏ khoảng 1cm. Các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng ống cổ tay, thần kinh giữa qua camera và thực hiện việc cắt mở dây chằng vòng cổ tay qua nội soi dưới hướng dẫn của camera, bảo đảm chính xác tuyệt đối và an toàn. Kỹ thuật này đã được thực hiện, nhiều nơi trên thế giới và đem lại những kết quả rất tốt tránh được việc mổ mở phải rạch da dài không cần thiết. Nếu với kỹ thuật phẫu thuật mở, bệnh nhân sẽ phải nằm viện vài ngày, đường rạch cổ tay rộng và nguy cơ nhiễm khuẩn là rất lớn, mặt khác để lại vết sẹo dài có thể làm mất đi vẻ đẹp của cổ tay.
Với kỹ thuật nội soi, thời gian mổ ngắn, bệnh nhân hầu như không cảm thấy phiền toái và có thể ra viện trong ngày. Các ngày tiếp theo có thể sinh hoạt và làm việc gần như bình thường. Các triệu chứng chèn ép thần kinh giữa cải thiện nhanh chóng, hậu phẫu ngắn và thẩm mỹ là những ưu điểm vượt trội làm cho phẫu thuật nội soi chiếm ưu thế tuyệt đối so với phẫu thuật mổ mở.
Tin vui cho người bệnh
Hội chứng ống cổ tay là do dây thần kinh giữa bị chèn ép tại cổ tay, làm đau và yếu bàn tay. Hội chứng này thường gặp ở người trung niên, nữ gặp nhiều hơn nam, gặp nhiều hơn ở một số bệnh lý như đái tháo đường.
Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh là tê tay. Tê ở gan bàn tay, cùng với ngón trỏ và ngón giữa. Thường gặp nhất là người bệnh chỉ thấy tê ngón trỏ và ngón giữa. Nhưng cũng có người cảm thấy tê ở tất cả các ngón tay, ở hai ngón vừa kể thì tê nhiều hơn. Tê tay thường xuất hiện khi cầm tay lái xe máy đi xa, có người đang đi xe máy phải dừng lại buông tay ra và vẩy vẩy mấy cái rồi mới đi tiếp được. Cũng có người đang ngủ, nửa đêm bị thức giấc do tê và đau các ngón tay, dậy đi lại và vẩy tay một lúc lại hết tê và đi ngủ lại. Sau một thời gian không được chữa trị, dần dần có rối loạn vận động, biểu hiện bằng yếu và teo khối cơ ô mô cái, là khối cơ vốn phồng lên ở gan tay, chỗ dưới của ngón tay cái. Khi quá gấp hoặc quá ưỡn cổ tay thì các triệu chứng tê tay có thể tăng lên.
Nguyên nhân của bệnh là do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay. Dây thần kinh giữa là một dây nhận cảm giác ngoài da của ngón trỏ và ngón giữa và gan bàn tay ở phía dưới 2 ngón tay đó. Đồng thời dây thần kinh giữa còn chỉ huy co cơ của các ngón tay, nhất là tại ô mô cái. Tại cổ tay, dây thần kinh giữa đi trong một đường ống, gọi là ống cổ tay, tiếng nước ngoài là carpal tunnel. Ống cổ tay là khoảng không gian giữa các xương của cổ tay ở dưới và ở hai bên, có một tấm gân rộng gọi là cân ngang của cổ tay hay còn gọi là dây chằng vòng cổ tay phủ lên trên như một cái mái. Khoảng không gian trong ống cổ tay khá chật hẹp, khi nó chít hẹp lại, thì dây thần kinh giữa bị chẹt trong đó và gây ra hội chứng ống cổ tay. Khi khám bệnh, bác sĩ thần kinh dùng búa bằng cao su gõ vào cổ tay, người bệnh thấy tê lan xuống các ngón tay, gọi là dấu hiệu Tinnel.
Điều trị hội chứng ống cổ tay, cơ bản vẫn là điều trị nội khoa bằng thuốc kháng viêm, bao tay để bất động bàn tay, thay đổi chế độ làm việc. Nếu những phương pháp này không cải thiện được có thể áp dụng phương pháp tiêm corticoid vào ống cổ tay, bệnh có thể khỏi từ vài tháng đến nhiều năm, tùy từng người, càng phát hiện sớm thì bệnh càng có cơ hội để điều trị tốt.
Điều trị phẫu thuật được lựa chọn khi các biểu hiện chèn ép của thần kinh giữa không giảm hoặc tăng lên, thể hiện là các biểu hiện tê tay không cải thiện hoặc biểu hiện tình trạng yếu hoặc liệt các cơ ô mô cái. Nguyên lý chung của phẫu thuật là cắt mở dây chằng vòng để giải phóng chèn ép thần kinh giữa và có nhiều phương pháp để thực hiện phẫu thuật này: mổ mở, mổ với đường mổ nhỏ và mổ nội soi. Trong đó phẫu thuật nội soi là một phương pháp có nhiều ưu điểm hơn cả.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dự kiến sẽ triển khai việc tập huấn kỹ thuật này cho bác sĩ ở các tuyến.
Ths. Trần Trung Dũng
(Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)