Vì sao người suy thận phải kiêng muối và kali?

Vì sao người suy thận phải kiêng muối và kali?

Trong chế độ ăn uống cho người suy thận, tôi thấy bác sĩ dặn phải kiêng muối và kali nhưng những bệnh nhân này lại rất thèm muối.

Xin quý báo cho biết, vì sao lại phải kiêng muối và kali? (Đoàn Văn Dũng – Yên Bái) 

 

Mít rất ngon, nhưng giàu kali, người bị suy thận ăn vào dễ bị ứ đọng kali trong máu, có thể khiến tim ngừng đập (Ảnh minh họa: DNSG)

Trả lời:

Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của nhiều bệnh thường gặp, nhất là bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh lý mạch máu thận…

Mục tiêu căn bản trong điều trị bảo tồn suy thận mạn là tránh tổn thương thận, ngăn ngừa hay làm chậm sự tiến triển của suy thận mạn và điều trị hội chứng urê huyết cao.

Đối với những bệnh nhân này, chế độ ăn nhạt là rất cần thiết, đặc biệt khi có phù, tăng huyết áp và suy tim. Muối chỉ nên dùng 1-2g/ngày, không nên ăn nhiều bột ngọt, bột canh, gia vị vì tất cả các loại này đều chứa natri. 

Bên cạnh đó người bệnh cũng cần hạn chế kali. Do khi bị suy thận, kali bị ứ đọng lại dẫn đến tăng kali máu, nếu quá nhiều sẽ dẫn đến tử vong do ngừng tim mà không có dấu hiệu báo trước nào.

 

Vì thế bệnh nhân suy thận mạn nên tránh các loại thức ăn giàu kali như mít, cam, chanh, lựu, các quả khô, hạt dẻ, lạc, cà phê. Các loại rau, quả ít kali là bầu, bí, susu, mướp, bắp cải, súp lơ, lê, táo, vú sữa, quýt, mận.

 

Chế độ ăn nhạt làm người bệnh rất khó chịu, vì vậy cần thay đổi món ăn thường xuyên, còn người bệnh cần cố gắng thích nghi.